Trong quá trình làm ăn thua lỗ, vì không còn khả năng tài chính để thanh toán khi mua cà phê nên Nguyễn Thị Mùi (63 tuổi, ngụ phường Xuân An, TP.Long Khánh) đã móc nối với ông Lê Hồng Hải (51 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) xác nhận khống biên nhận hàng hóa để chiếm đoạt cả ngàn tấn cà phê (trị giá hàng chục tỷ đồng) của bị hại.
Trong quá trình làm ăn thua lỗ, vì không còn khả năng tài chính để thanh toán khi mua cà phê nên Nguyễn Thị Mùi (63 tuổi, ngụ phường Xuân An, TP.Long Khánh) đã móc nối với ông Lê Hồng Hải (51 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) xác nhận khống biên nhận hàng hóa để chiếm đoạt cả ngàn tấn cà phê (trị giá hàng chục tỷ đồng) của bị hại.
Bị cáo Nguyễn Thị Mùi tại phiên tòa xét xử |
* Lập khống biên nhận
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, vào năm 2005, bà Nguyễn Thị Mùi thành lập Công ty TNHH Thiên Lộc Phúc (đóng tại phường Xuân An, TP.Long Khánh) với ngành nghề kinh doanh nông, lâm, hải sản nguyên liệu, vận tải hàng hóa. Bà Mùi đã nhiều lần hợp tác và ký hợp đồng bán cà phê với Công ty TNHH Anh Minh (gọi tắt Công ty Anh Minh, đóng tại TP.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Một trong những vấn đề được tranh luận nhiều tại phiên tòa là việc xác định bị hại của vụ án. Theo VKSND tỉnh và đại diện Công ty Anh Minh, Công ty Anh Minh đã ký hợp đồng vay vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Đắk Lắk và thế chấp bằng số hàng tồn kho. Do đó, hàng hóa gửi tại kho Công ty Anh Linh thuộc quyền sở hữu của BIDV chi nhánh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng cho rằng đơn vị chịu thiệt hại trực tiếp là Công ty Anh Minh nên ngân hàng không phải là nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh lại xác định tư cách tố tụng của Công ty Anh Minh là nguyên đơn dân sự, Ngân hàng BIDV - chi nhánh Đắk Lắk là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. |
Đến năm 2008, dù làm ăn không hiệu quả nhưng bà Mùi lại thành lập Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Phú Hưng Long (gọi tắt là Công ty Phú Hưng Long, đóng tại TP.Long Khánh) và tiếp tục ký kết nhiều hợp đồng buôn bán cà phê cho Công ty Anh Minh và nhiều công ty khác.
Trong quá trình điều hành hoạt động của công ty, bà Mùi đã cấu kết với Lê Hồng Hải (Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Linh, gọi tắt là Công ty Anh Linh) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể là vào năm 2013, Công ty Anh Linh ký hợp đồng gia công cà phê cho Công ty Anh Minh. Theo nội dung hợp đồng, Công ty Anh Minh mượn kho của Công ty Anh Linh chứa cà phê. Công ty Anh Linh có trách nhiệm kiểm tra số lượng, chất lượng cà phê và giấy biên nhận hàng hóa nhập kho chuyển cho Công ty Anh Minh.
Trên cơ sở biên nhận hàng nhập kho này, Công ty Anh Minh sẽ thanh toán tiền cho các bên đã giao hàng. Khi có nhu cầu xuất bán thì Công ty Anh Linh có trách nhiệm xuất đúng, đủ số lượng, chất lượng cà phê theo lệnh của Công ty Anh Minh.
Tính từ tháng 2-2013 đến tháng 7-2013, mặc dù Công ty Phú Hưng Long không còn khả năng tài chính để mua cà phê nhưng bà Mùi vẫn ký 57 hợp đồng bán cà phê cho Công ty Anh Minh với số lượng gần 20 ngàn tấn cà phê. Khi không có cà phê giao theo hợp đồng, bà Mùi đã móc nối với Hải xác nhận khống 23 biên nhận hàng hóa nhập kho Công ty Anh Linh với số lượng ghi là hơn 7,6 ngàn tấn cà phê.
Đến ngày 14-7-2013, bà Mùi và ông Hải tiếp tục cấu kết để xác nhận khống 5 biên nhận hàng hóa (hơn 1,7 ngàn tấn cà phê tương đương hơn 61 tỷ đồng) để bà Mùi nhận tiền từ Công ty Anh Minh. Khi Công ty Anh Minh phát hiện sự việc đã làm đơn tố cáo bà Mùi và ông Hải về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng của VKSND tỉnh xác định, tính đến ngày 13-8-2013, Công ty Phú Hưng Long do bà Mùi làm giám đốc đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 2 ngàn tấn cà phê (trị giá gần 90 tỷ đồng).
* Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tại phiên tòa xét xử , các luật sư bào chữa cho bị cáo Mùi nêu quan điểm bị cáo Mùi không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc thiếu số cà phê giao dịch giữa hai bên chỉ là quan hệ dân sự liên quan đến hợp đồng kinh tế do bị cáo Mùi mượn của Công ty Anh Linh chứ không phải chiếm đoạt của Công ty Anh Minh.
Sau quá trình tranh luận, hội đồng xét xử xác định trong quá trình giao dịch, giữa Công ty Phú Hưng Long và Công ty Anh Minh đã ký 57 hợp đồng, trong đó 22 hợp đồng đã thanh lý, 33 hợp đồng chưa thanh lý nhưng đã thực hiện xong, 2 hợp đồng đang thực hiện.
Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cũng xác định, với 2 hợp đồng đang thực hiện, vì không đủ tiền mua cà phê giao cho Công ty Anh Minh nên bị cáo Mùi móc nối với Hải lập biên nhận khống để có thêm tiền mua cà phê và trả lại cho Công ty Anh Minh. Do đó, hai bên vẫn đang trong quá trình thực hiện hợp đồng (mặc dù số lượng giao dịch không đủ theo đúng hợp đồng đã ký). Hội đồng xét xử xác định đây là giao dịch dân sự giữa hai bên và nếu có tranh chấp thì sẽ được giải quyết bằng một vụ án dân sự theo hợp đồng kinh tế.
Riêng ngày 14-7-2013, dù không còn khả năng tài chính nhưng bà Mùi vẫn tiếp tục yêu cầu ông Hải lập khống giấy tờ biên nhận để Công ty Anh Minh chuyển tiền hơn 61 tỷ đồng (tương đương hơn 1,7 ngàn tấn cà phê), hội đồng xét xử xác định bà Mùi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 61 tỷ đồng nói trên.
Số tiền bị cáo Mùi chiếm đoạt rất lớn và chưa có khả năng trả lại nên ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Công ty Anh Minh một thời gian dài. Do đó TAND đã tuyên phạt bị cáo 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng ông Hải do bị tai nạn giao thông tử vong vào ngày 30-4-2018 nên TAND tỉnh đã ra quyết định đình chỉ xét xử đối với bị cáo Hải về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tố Tâm