
Gần 15 năm đi vào hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh đã triển khai nhiều hình thức tư vấn pháp luật cho người dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận khi gặp các vấn đề về pháp lý cần giúp đỡ.
Gần 15 năm đi vào hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh đã triển khai nhiều hình thức tư vấn pháp luật cho người dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận khi gặp các vấn đề về pháp lý cần giúp đỡ.
![]() |
Luật gia, luật sư Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phú Lợi (huyện Định Quán) |
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh bày tỏ, những năm đầu mới thành lập, hình thức hoạt động chủ yếu của trung tâm là tư vấn pháp luật tại Văn phòng Hội Luật gia tỉnh. Sau đó, từng bước mở thêm nhiều điểm tư vấn pháp luật cộng đồng và hình thức hoạt động cũng đa dạng hơn.
* 12 điểm tư vấn pháp luật miễn phí
Địa điểm được Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh lựa chọn để tổ chức tư vấn pháp luật cộng đồng cũng khá thuận tiện để mọi người dân, mọi đối tượng có thể tiếp cận. Cụ thể ở TP.Biên Hòa có các điểm như: Báo Đồng Nai, Hội Nông dân tỉnh, Trường đại học Lạc Hồng, UBND phường Trung Dũng và phường Bình Đa, Hội quán Trấn Biên, quán cà phê Cội Nguồn... Ở huyện Tân Phú, điểm tư vấn pháp luật được đặt tại Văn phòng tiếp dân UBND huyện Tân Phú.
Hơn 13 năm đi vào hoạt động, đến nay điểm tư vấn pháp luật cộng đồng của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh đặt tại cơ quan Báo Đồng Nai (hoạt động vào sáng thứ bảy hằng tuần) đã tư vấn pháp luật cho hơn 3 ngàn trường hợp.
Để nâng cao chất lượng tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân, theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, các luật gia, luật sư ngoài việc giải thích, hướng dẫn, tư vấn về pháp luật cho người dân thì trong một số vụ việc, trung tâm phải có trách nhiệm liên hệ, kiến nghị với chính quyền địa phương để tháo gỡ, giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân. |
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, những vấn đề người dân thắc mắc, phản ảnh liên quan đến pháp luật đều được luật sư, luật gia tư vấn, giải đáp, hướng dẫn kịp thời. Bên cạnh đó, một số vấn đề, người dân phản ảnh còn được Ban biên tập Báo Đồng Nai cử phóng viên tìm hiểu, xác minh và kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.
Cụ thể như, trường hợp bà N.T.T. (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), nhờ có sự tư vấn pháp luật của luật sư và sự phản ánh của Báo Đồng Nai, đã thắng kiện tại cấp phúc thẩm trong vụ tranh chấp quyền sử dụng 100m2 đất với ông B. Luật sư Định cho hay, lý do bà T. thua kiện ở cấp sơ thẩm vì bà không hiểu biết pháp luật nên không cung cấp được đầy đủ các chứng cứ để thuyết phục tòa. Qua hỗ trợ pháp lý, luật sư đã hướng dẫn cho bà T. kháng cáo bảo vệ quyền lợi của mình và bà thắng kiện tại cấp phúc thẩm với đầy đủ chứng cứ thuyết phục trong quá trình giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông B.
Tháng 10-2018, điểm tư vấn pháp luật cộng đồng thứ 12 của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh mở tại Văn phòng tiếp dân UBND huyện Tân Phú. Đây là điểm tư vấn pháp luật xa nhất của trung tâm. Đặc biệt, ngoài Văn phòng Hội Luật gia tỉnh thì đây là điểm tư vấn pháp luật cộng đồng duy nhất có luật gia, luật sư phân công trực tư vấn pháp luật suốt 5 ngày làm việc trong tuần.
Luật gia Lê Thị Hồng, phụ trách điểm tư vấn pháp luật cộng đồng tại huyện Tân Phú cho hay, trung bình mỗi ngày có từ 10-15 lượt người dân tìm đến nhờ tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý. Chính vì vậy, những ngày nào trực bà luôn bận rộn nhưng cũng rất vui vì đã giúp nhiều người dân hiểu rõ hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình qua từng vụ việc cụ thể, hạn chế những bức xúc không đáng có, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
* Nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật
Ngoài phân công luật gia, luật sư trực tại các điểm tư vấn pháp luật cộng đồng, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương tổ chức các bàn tư vấn, hỗ trợ pháp lý lưu động miễn phí cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Định Quán, Tân Phú...
Luật gia Vòng Khiềng cho biết thêm, việc tổ chức tư vấn pháp luật lưu động đến tận các xã vùng sâu, vùng xa nhằm giúp nhiều đối tượng yếu thế (người nghèo, người dân tộc thiểu số...) tiếp cận bài bản, kỹ lưỡng, có định hướng về chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó giúp họ biết rõ quyền lợi hợp pháp của mình khi phát sinh xung đột pháp lý trong cuộc sống.
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh nhấn mạnh, việc đa dạng hóa các hình thức tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh giúp đông đảo người dân tiếp cận các điểm tư vấn pháp luật một cách dễ dàng hơn. Do đó, trong thời gian tới Hội tiếp tục chỉ đạo trung tâm phát huy phương thức này và chú ý phối hợp thêm các giải pháp mới như: chú trọng tổ chức tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ pháp lý ở những khu vực, địa phương chưa có điểm tư vấn pháp luật cộng đồng; cải tiến chất lượng khâu biên tập tài liệu, nội dung phổ biến cho từng đối tượng; cần chú trọng hơn việc trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng hoặc thành phần dân cư chịu sự tác động bất lợi của việc thi hành chính sách, pháp luật để ngày càng có nhiều người dân được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý nhiều hơn nữa.
Đoàn Phú