Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý

09:07, 07/07/2019

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... đang được các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ kịp thời.

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... đang được các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ kịp thời.

Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Doãn Nhương phát tờ rơi truyền thông hoạt động trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức huyện Trảng Bom. Ảnh: Đ.PHÚ
Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Doãn Nhương phát tờ rơi truyền thông hoạt động trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức huyện Trảng Bom. Ảnh: Đ.PHÚ

Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) Lê Quang Vinh cho biết, theo Luật TGPL năm 2017 có 14 nhóm đối tượng được TGPL miễn phí.

* Điều kiện để được TGPL miễn phí

Điều 7, Luật TGPL năm 2017 quy định, những nhóm người sau đây thuộc diện được trợ giúp pháp lý: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ); người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;  người nhiễm HIV.

Ông Lê Quang Vinh cho biết, các nhóm đối tượng nêu trên khi gặp các vấn đề về pháp luật có thể liên hệ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hoặc các chi nhánh để được hướng dẫn, tư vấn, TGPL miễn phí. Thủ tục để được TGPL miễn phí chỉ cần xuất trình các giấy tờ chứng minh thuộc các nhóm đối tượng nêu trên. Ví dụ như: các giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng, giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo, giấy khai sinh nếu là trẻ em...

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan tố tụng (tòa án, viện kiểm sát, công an) để kịp thời nắm bắt đối tượng nhằm TGPL miễn phí khi họ có nhu cầu. Kết quả, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã thụ lý 72 vụ việc mới, tăng 26 vụ (tương đương tăng 58%) so với cùng kỳ năm 2018.

* Vẫn còn bất cập, khó khăn

Theo các trợ giúp viên pháp lý, trong quá trình thực hiện TGPL cho các nhóm đối tượng nêu trên vẫn còn những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ. Một trong những bất cập đó là các quy định chồng chéo của pháp luật gây khó khăn trong quá trình áp dụng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được TGPL.

Trước khó khăn chung của đội ngũ trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào yêu cầu các đơn vị TGPL nhà nước tỉnh và trợ giúp viên phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng; tiếp tục rèn luyện kỹ năng, tay nghề nâng cao uy tín, chất lượng TGPL để tạo dựng niềm tin và hình ảnh của mình với nhân dân.

Cụ thể như, theo Khoản 7, Điều 7 Luật TGPL năm 2017 thì người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người thuộc đối tượng được TGPL khi họ là những người có khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Luật Người khuyết tật năm 2010 thì nạn nhân của hành vi mua bán người và người khuyết tật thuộc đối tượng đương nhiên được TGPL mà không cần có quy định về điều kiện hoặc yêu cầu khác.

Tương tự, theo Luật TGPL năm 2006, thân nhân của liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ) được TGPL miễn phí. Tuy nhiên, tại Điểm a, Khoản 7, Điều 7 Luật TGPL năm 2017 lại quy định thân nhân của liệt sĩ được TGPL miễn phí khi họ thuộc trường hợp có khó khăn về tài chính. Đây là quy định vừa thu hẹp đối tượng được TGPL là người có công với cách mạng, chưa phù hợp với chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp giao chỉ tiêu số lượng thực hiện các vụ TGPL là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng hằng năm cũng là một khó khăn cho những người làm công tác TGPL tại Đồng Nai.

Đặc biệt, hiện tại Đồng Nai là tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới nên số hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thân nhân người có công với cách mạng có khó khăn về kinh tế không còn nhiều. Vì vậy, số lượng các vụ TGPL ở Đồng Nai không nhiều như một số tỉnh khác.

Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết, theo quy định một trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 3 năm được xếp loại thi đua phải đạt chỉ tiêu TGPL từ 4-8 vụ/năm, đạt chỉ tiêu khá từ 9-12 vụ/năm, đạt chỉ tiêu tốt từ 13 vụ trở lên. Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 3 năm đến dưới 5 năm để được xếp loại thi đua phải đạt chỉ tiêu TGPL 8-11 vụ/năm, đạt chỉ tiêu khá 12-17 vụ/năm, đạt chỉ tiêu tốt từ 18 vụ trở lên. Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 5 năm trở lên để được xếp loại thi đua phải đạt chỉ tiêu TGPL 11-17 vụ/năm, đạt chỉ tiêu khá 18-23 vụ/năm, đạt chỉ tiêu tốt từ 24 vụ/năm trở lên. Trong 2 năm qua, rất nhiều trợ giúp viên pháp lý ở Đồng Nai không đạt được chỉ tiêu hoàn thành khá, dù họ rất nỗ lực. Do đó, đây là thách thức rất lớn đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nhà nước tỉnh.

    Đoàn Phú

Tin xem nhiều