Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn khó khăn, bất cập

09:06, 12/06/2019

Qua một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thời gian gần đây cho thấy, công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhất là trong xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu các văn bản hướng dẫn, có khoảng trống pháp lý trong xử lý vi phạm.

Qua một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thời gian gần đây cho thấy, công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhất là trong xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu các văn bản hướng dẫn, có khoảng trống pháp lý trong xử lý vi phạm.

Công an tỉnh tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật, trong đó có cách phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) (ảnh minh họa)
Công an tỉnh tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật, trong đó có cách phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) (ảnh minh họa)

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định về tội dâm ô trẻ em nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu của hành vi dâm ô.

* Còn thiếu hướng dẫn

Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định tội dâm ô với trẻ em như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, hiện nay cơ quan chức năng còn gặp khó khăn khi xử lý một số vụ việc liên quan đến tội dâm ô do vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu của hành vi dâm ô. Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, Thông tư liên tịch số 01 của liên ngành Tư pháp trung ương được ban hành từ năm 1998 có hướng dẫn cách xác định về hành vi dâm ô là hành vi của người phạm tội tác động vào “bộ phận kích thích tình dục của trẻ”... Trong khi đó, quy định về “bộ phận kích thích tình dục” trong Thông tư liên tịch số 01 rất khó xác định để áp dụng thống nhất khi xử lý một số vụ việc.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, đến nay, Thông tư liên tịch số 01 đã hết hiệu lực. Do đó vào năm 2017, một nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp  Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của tội dâm ô. Thế nhưng, đến nay Tòa án nhân dân Tối cao chưa ban hành được văn bản hướng dẫn này.

* Khoảng trống pháp lý    

Từ thực tế các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước cho thấy, các cơ quan chức năng còn khá lúng túng trong xử lý hành vi dâm ô trẻ em. Điển hình như vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy ở quận 4 (TP.Hồ Chí Minh) vào ngày 1-4. Việc điều tra ban đầu của công an cũng gặp trở ngại trong xác định hành vi dâm ô đối với trẻ em.

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, trong pháp luật xử lý vi phạm với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn nhiều lỗ hổng cần phải khắc phục. Gần đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mới ra dự thảo nghị quyết về việc hướng dẫn xử lý đối với tội dâm ô. Hy vọng khi nghị quyết này chính thức được ban hành sẽ khắc phục phần nào khó khăn, vướng mắc trong xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do có khoảng trống trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến việc áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm.

Luật sư Cao Sơn Hà, Hội Luật gia tỉnh phân tích, khi giải quyết các vụ xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan chức năng đều có xu hướng áp dụng Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình để xử phạt về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Đây là những hành vi có tính chất quấy rối tình dục, xâm hại tình dục nhưng do Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ về các hành vi này  nên các cơ quan phải vận dụng để xử phạt về hành vi vi phạm trật tự công cộng nói chung.

“Đây là khoảng trống lớn trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục cần sớm được bổ sung để làm căn cứ xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tình dục, nhất là đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em” - luật sư Cao Sơn Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho quá trình giải quyết vụ án bị kéo dài.

Trợ giúp viên pháp lý Đặng Bửu Trọng, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Định Quán, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho biết, hiện nay quy trình trưng cầu giám định xâm hại tình dục đang được thực hiện theo các bước như: Sau khi nạn nhân hoặc gia đình trình báo sự việc, cơ quan điều tra tiến hành lập biên bản lấy lời khai; đưa nạn nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh, thường là các bệnh viện có chuyên khoa sản để khám. Sau khi hoàn tất hồ sơ, cơ quan điều tra gửi quyết định trưng cầu giám định pháp y tình dục đến trung tâm pháp y, thường là chậm mất vài ngày, có vụ mất vài tháng và khi đó hầu như không còn dấu vết của xâm hại tình dục.

Khi tiếp nhận vụ việc, trung tâm pháp y chỉ có thể thẩm định lại các dấu hiệu tổn thương đã được ghi nhận tại các cơ sở khám chữa bệnh trước đó xem có đúng không. Kết quả này không có tác dụng giúp cơ quan điều tra xác định đây có phải là vụ việc xâm hại tình dục hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập trong quy trình trưng cầu giám định tình dục thời gian qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết án, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh.

 Đoàn Phú 

Tin xem nhiều