Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa triển khai cắt cơn nghiện ma túy trong nhà tạm giữ

09:06, 16/06/2019

Một trong những khó khăn nhất trong công tác tạm giam, tạm giữ hiện nay là chưa triển khai điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho nghi phạm, nghi can nghiện ma túy ở nhà tạm giữ của công an các địa phương.

Một trong những khó khăn nhất trong công tác tạm giam, tạm giữ hiện nay là chưa triển khai điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho nghi phạm, nghi can nghiện ma túy ở nhà tạm giữ của công an các địa phương.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Văn Quang (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với Công an TP.Biên Hòa về công tác tạm giam, tạm giữ. Ảnh: Đ.NGỌC
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Văn Quang (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với Công an TP.Biên Hòa về công tác tạm giam, tạm giữ. Ảnh: Đ.NGỌC

Đó là ghi nhận của đoàn giám sát HĐND tỉnh trong các buổi làm việc với công an 2 địa phương Biên Hòa và Xuân Lộc về công tác tạm giữ, tạm giam và chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam.

* “Cắt cơn sống”

Hiện nay, tại Nhà tạm giữ Công an Xuân Lộc có 40/62 người bị tạm giữ, tạm giam nghiện ma túy, nhất là ma túy đá (chiếm hơn 64%).  Chính vì vậy, ngoài công tác quản lý giam giữ, cán bộ trại giam còn phải phụ trách luôn vấn đề cắt cơn cho những phạm nhân bị nghiện.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Văn Quang cho biết, Ban Pháp chế HĐND tỉnh sẽ tham mưu cho HĐND tỉnh đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh bổ sung chế độ tài chính và nhân sự để triển khai công tác cắt cơn nghiện tại các nhà tạm giữ để đảm bảo hoạt động tạm giam, tạm giữ được tốt hơn.


Thượng tá Phan Trọng Lộc, Trưởng Công an huyện Xuân Lộc cho biết, công tác cắt cơn cho nghi phạm, nghi can nghiện ma túy tại nhà tạm giữ đều thực hiện bằng phương pháp “cắt cơn sống”. Cán bộ nhà tạm giữ phải dùng sức để giữ không cho các đối tượng quậy phá. Việc làm này sẽ kéo theo những rủi ro cho chính cán bộ quản giáo vì nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các đối tượng nghiện rất cao, nhất là phơi nhiễm HIV/AIDS.

Tương tự, tại Nhà tạm giữ Công an TP.Biên Hòa có 130/415 người bị tạm giữ, tạm giam nghiện ma túy (chiếm hơn 30%), phần lớn nghiện ma túy đá. Nhiều nghi phạm, nghi can nghiện ma túy đá bị bắt đưa vào nhà tạm giữ vẫn còn trong trạng thái ảo giác, có lời nói, hành vi thiếu tự chủ. Một số người lên cơn nghiện có hành vi quậy phá, la hét.

Thiếu tá Nguyễn Văn Giáp, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an TP.Biên Hòa cho biết khi các nghi phạm, nghi can lên cơn nghiện, cán bộ quản giáo phải trực tiếp giám sát, giữ không cho đối tượng quậy phá; phòng ngừa không để họ tự gây thương tích cho bản thân, cũng như không gây thương tích cho quản giáo. Một số trường hợp lên cơn nghiện nặng phải được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Hiện Công an TP.Biên Hòa và Công an huyện Xuân Lộc chưa triển khai phương pháp cai nghiện ma túy cho người bị tạm giam, tạm giữ là do chưa có cơ chế, quy định về triển khai công tác cai nghiện trong nhà tạm giam, tạm giữ.

Mặt khác, tình hình nhân sự phụ trách y tế của các đơn vị còn thiếu. Tại Nhà tạm giữ Công an huyện Xuân Lộc có 62 người bị tạm giam, tạm giữ nhưng chỉ có 1 cán bộ y tế phụ trách. Tại Nhà tạm giữ Công an TP.Biên Hòa có hơn 415 người bị tạm giam, tạm giữ nhưng cũng chỉ có 3 cán bộ y tế phụ trách, hầu hết là cán bộ quản giáo kiêm luôn cán bộ y tế.

* Cần có kiến nghị sửa đổi

Thiếu tá Nguyễn Văn Giáp cho biết thêm, trước tình hình đối tượng nghiện ma túy gia tăng, hiện Nhà tạm giữ Công an TP.Biên Hòa đã cử cán bộ y tế đi tập huấn về phương pháp, cách thức cắt cơn nghiện ma túy. Tuy nhiên, để triển khai công tác cắt cơn cho người nghiện ma túy bị tạm giam, tạm giữ cần có quy chế phối hợp rõ ràng giữa ngành công an và ngành y tế; cần có quy định hỗ trợ về kinh phí, thuốc men...

Thực tế hiện nay, công tác điều trị cắt cơn và cai nghiện ma túy bằng methadone đã được triển khai ở các nhà giam trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp các phạm nhân nhanh chóng cắt cơn nghiện, sớm hồi phục sức khỏe và giảm tình trạng người nghiện lên cơn quậy phá, giúp việc quản lý các trại giam thuận lợi hơn. Trong khi đó, hiện nay chưa có chính sách nào hỗ trợ kinh phí để triển khai cai nghiện ma túy trong các nhà tạm giữ. Đây cũng là vấn đề mà các ngành chức năng cần phải quan tâm để có kiến nghị sửa đổi, khắc phục.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho rằng, việc triển khai điều trị cai nghiện ma túy cho người bị tạm giam, tạm giữ là cần thiết. Ngành y tế sẵn sàng phối hợp với công an các địa phương để triển khai công tác này. Một số địa phương trong cả nước đã triển khai công tác phối hợp giữa bệnh viện và công an trong điều trị cắt cơn nghiện ở các nhà tạm giữ. Ngoài công tác cắt cơn nghiện, bệnh viện còn chia sẻ nguồn nhân lực y tế trong trường hợp cấp cứu khi có yêu cầu trợ giúp nhằm đảm bảo sức khỏe cho nghi can, nghi phạm trong nhà tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.

Đặng Ngọc - Trần Danh

Tin xem nhiều