Trong thời gian qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (trực thuộc Sở Tư pháp) và các chi nhánh ở nhiều địa phương trong tỉnh luôn là một địa chỉ đáng tin cậy của các đối tượng yếu thế trong xã hội như: người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người già, tàn tật, nhiễm HIV/AIDS...
Trong thời gian qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (trực thuộc Sở Tư pháp) và các chi nhánh ở nhiều địa phương trong tỉnh luôn là một địa chỉ đáng tin cậy của các đối tượng yếu thế trong xã hội như: người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người già, tàn tật, nhiễm HIV/AIDS...
Trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng (phải), Trưởng Chi nhánh trợ giúp pháp lý huyện Định Quán bảo vệ quyền lợi cho một đối tượng thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: Đ.Phú |
* Đồng hành với đối tượng yếu thế
Thông qua hoạt động TGPL cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, thời gian qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho nhiều người yếu thế trong tỉnh. Các trợ giúp viên luôn đồng hành, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong các hoạt động tố tụng, nhiều vụ việc TGPL đã thành công.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn nhấn mạnh, hoạt động TGPL là một trong những hoạt động xã hội ý nghĩa, tạo lập cơ chế bảo đảm công bằng xã hội, mọi công dân dù giàu hay nghèo đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tiếp cận dịch vụ pháp lý như nhau. Do đó, ngành Tư pháp luôn mong muốn được chính quyền, các cấp, ngành, đơn vị hỗ trợ, chung tay tuyên truyền sâu rộng vai trò và ý nghĩa của TGPL đến đông đảo người dân hơn nữa. |
Cụ thể như trường hợp bị cáo Đoàn Minh Trường (38 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk) phạm tội trộm cắp tài sản bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Xuân Lộc đề nghị mức án từ 12-18 tháng tù giam. Qua bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, trợ giúp viên Phạm Minh Lâm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đưa ra các tình tiết giảm nhẹ như: đối tượng hộ nghèo, đã ăn năn hối cải, đang nuôi 2 con nhỏ (vợ bỏ), vì hoàn cảnh túng quẫn dẫn tới phạm tội và được tòa ghi nhận. Ngày 20-4, Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc tuyên phạt Trường 10 tháng tù giam.
Nhờ các trợ giúp viên Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh, nhiều đối tượng yếu thế hiểu rõ hơn các quy định pháp luật để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đơn cử như trường hợp của em Hoàng Thị Xoan (14 tuổi, ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) bị đối tượng H. (ngụ thị trấn Gia Ray) gây tai nạn giao thông với tỷ lệ thương tật 79% vào năm 2018. Gia đình em Xoan có yêu cầu H. bồi thường tiền thuốc men và các chi phí khác gần 200 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường. Được sự giải thích và hướng dẫn của trợ giúp viên Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, mẹ em Xoan đã biết liệt kê ra các khoản chi phí theo đúng quy định pháp luật với các chứng từ đi kèm, làm cơ sở để kiện đòi lại quyền lợi chính đáng cho con mình.
Ông Nguyễn Minh, trợ giúp viên Chi nhánh TGPL huyện Vĩnh Cửu cho biết, phần lớn đối tượng thuộc diện được TGPL miễn phí đều gặp khó khăn về tài chính, hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Có một số trường hợp dù các trợ giúp viên đã giải thích nhiều lần về pháp luật nhưng một số người vẫn không hiểu, không làm theo. Tuy vậy, các trợ giúp viên vẫn không nản lòng, quyết tâm giúp các đối tượng yếu thế hiểu rõ các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng theo đúng tinh thần của Luật TGPL năm 2017.
* Cần truyền thông rộng rãi hơn
Trong năm 2018, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã TGPL miễn phí trong hoạt động tố tụng và ngoài tố tụng cho trên 100 đối tượng yếu thế, tư vấn miễn phí cho trên 300 người. Từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã nhận TGPL miễn phí cho khoảng 58 đối tượng, tư vấn miễn phí cho gần 180 người. Tuy vậy, theo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, hiện số người yếu thế trong tỉnh được tiếp cận TGPL miễn phí vẫn còn hạn chế, chưa nhiều.
Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho rằng, hoạt động TGPL có ý nghĩa thiết thực với các đối tượng yếu thế. Khi xảy ra xung đột pháp lý, người có điều kiện kinh tế có nhiều cơ hội lựa chọn cá nhân, tổ chức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình. Trong khi đối tượng yếu thế rất hạn chế trong việc lựa chọn cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Vì vậy, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh chính là “cứu cánh” của họ.
Do đó, trong thời gian tới, công tác truyền thông về các địa chỉ và hoạt động của các Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tham mưu cho Sở Tư pháp truyền thông sâu rộng về hoạt động TGPL đến các địa phương, tòa án, công an, viện kiểm sát, trại giam... để các địa phương, đơn vị giới thiệu đối tượng đến với các trung tâm TGPL.
“Ngoài sự nhiệt tình, tận tâm, sẵn sàng đồng hành cùng đối tượng yếu thế, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông mạnh mẽ về vị trí, vai trò của TGPL trong đời sống xã hội để nhiều người biết về quyền được TGPL, tổ chức TGPL... mà tìm đến và sử dụng dịch vụ này” - ông Vinh tỏ bày.
Đoàn Phú