Trong những năm qua, công tác giám định tư pháp luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, công tác giám định vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để tiếp tục nâng chất lượng giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.
Trong những năm qua, công tác giám định tư pháp luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, công tác giám định vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để tiếp tục nâng chất lượng giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.
Để xử lý các vụ đổ trộm rác thải cơ quan công an phải lấy mẫu giám định và phải tốn kém chi phí giám định khá cao. Trong ảnh: Công an tỉnh phát hiện một xe đổ trộm rác thải tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa) |
Phó giám đốc Sở Tư pháp Lê Triết Như Vũ cho biết, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sớm kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp công lập trên địa bàn tỉnh; củng cố, xây dựng đội ngũ giám định viên tư pháp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng
* Khó thu hút nhân lực trình độ cao
Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 tổ chức giám định tư pháp công lập là Trung tâm pháp y tỉnh (thuộc Sở Y tế), Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa (Bộ Y tế) và Trung tâm giám định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng).
Theo Sở Tư pháp, từ năm 2013 đến nay, các tổ chức giám định tư pháp, các sở, ngành quản lý giám định đã thực hiện giám định hơn 17,6 ngàn vụ việc, trong đó có hơn 11,2 ngàn vụ giám định pháp y, hơn 5,9 ngàn giám định kỹ thuật hình sự... Số lượng các vụ việc cơ quan tố tụng trưng cầu giám định chủ yếu thuộc lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
“Kết quả các vụ giám định đều đạt chất lượng, đúng quy định của pháp luật. Không có vụ việc nào để xảy ra sai sót dẫn đến oan, sai trong tố tụng và không để tồn đọng các vụ giám định” - Phó giám đốc Sở Tư pháp Lê Triết Như Vũ cho biết.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội NGUYỄN VĂN PHA cho rằng, Đồng Nai phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động giám định tư pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại, hạn chế để tiếp tục nâng chất lượng hoạt động giám định tư pháp, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. |
Theo Sở Tư pháp, mặc dù đội ngũ giám định viên tư pháp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, nhưng hiện nay rất khó để thu hút nhân lực có trình độ cao vào làm công tác giám định. Vì hiện chưa có chế độ đặc thù cho việc đào tạo và đãi ngộ để thu hút nhân lực vào công tác giám định, đặc biệt cán bộ có trình độ đại học trở lên, các bác sĩ thuộc chuyên khoa giải phẫu bệnh.
Theo đánh giá của đại diện một số cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh, thực tế các giám định viên tư pháp phần lớn đều kiêm nhiệm các chức vụ trong các cơ quan, đơn vị nên công việc giám định như là một hoạt động “làm thêm”, chưa được đào tạo về nghiệp vụ và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực giám định nên hiệu quả chưa thực sự đáp ứng nhu cầu công việc.
* Còn nhiều vướng mắc
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội về công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự vừa qua, ông Hồ Văn Năm, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, trong quá trình thực thi vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải có giải pháp để khắc phục, trong đó có vấn đề về chi phí cho công tác giám định.
“Một số vụ án tham nhũng, án kinh tế công tác giám định thường kéo dài dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí cho công tác giám định cũng rất lớn cơ quan điều tra không đủ kinh phí để thực hiện, phải có sự hỗ trợ của chính quyền thì mới thực hiện được” - ông Hồ Văn Năm cho biết.
Cùng nói về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh cho hay, trên thực tế có những vụ án kinh tế kinh phí giám định cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thiệt hại trong vụ án. Có trường hợp cơ quan điều tra thu được một khối gỗ là tang vật vụ án và phải đi giám định để xác định đặc điểm, chủng loại với chi phí giám định lên đến hơn 2 tỷ đồng (trong khi số gỗ đó chỉ có giá khoảng 300 triệu đồng).
Đối với công tác giám định liên quan đến các vụ án xâm hại tình dục, hiếp dâm… thường được yêu cầu làm ngay để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài bị hại mới trình báo cơ quan chức năng khiến công tác giám định gặp rất nhiều khó khăn. Hay một số vụ án cố ý gây thương tích, sau khi được bồi thường một khoản tiền lớn bị hại từ chối giám định. Trong khi đó, nếu không xác định được tỷ lệ thương tật thì cơ quan điều tra không có cơ sở khởi tố vụ án để điều tra.
Trước những khó khăn, vướng mắc này, theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, các cơ quan tố tụng và giám định tư pháp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết những vướng mắc. Đặc biệt trong một số vụ việc có liên quan đến công tác giám định tâm thần. Theo Đại tá Kim, giữa cơ quan giám định và cơ quan điều tra không có sự phối hợp chặt chẽ sẽ rất dễ bỏ lọt tội phạm do có nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề này để “chạy tội”.
Trần Danh