Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái diễn chiêu lừa đảo qua điện thoại

09:04, 14/04/2019

Vẫn là chiêu thức cũ, kẻ gian giả danh lực lượng chức năng gọi điện cho một số người dân thông báo họ có liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như mua bán ma túy, rửa tiền... buộc nhiều người phải nộp tiền vào tài khoản để chiếm đoạt. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có người "sập bẫy" và mất tiền tỷ.

Vẫn là chiêu thức cũ, kẻ gian giả danh lực lượng chức năng gọi điện cho một số người dân thông báo họ có liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như mua bán ma túy, rửa tiền... buộc nhiều người phải nộp tiền vào tài khoản để chiếm đoạt. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có người “sập bẫy” và mất tiền tỷ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố 3 vụ án liên quan đến các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và qua mạng xã hội để tiếp tục điều tra làm rõ.

* “Bỗng nhiên” có lệnh bắt tạm giam

Một cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng mạng công nghệ cao. Bên cạnh việc sử dụng chiêu thức cũ như: gọi điện, nhắn tin, các đối tượng lừa đảo còn gửi hẳn cả “lệnh bắt tạm giam”, “hồ sơ vụ án” cho người bị hại. Khi nhận được các thông báo này, nhiều người đã hoảng sợ và chấp nhận làm theo hướng dẫn của các đối tượng trong đường dây lừa đảo này.

Trước hàng loạt các vụ lừa đảo trong thời gian vừa qua, cơ quan công an cảnh báo người dân cần đề cao cảnh giác, không dễ dàng tin tưởng những thông tin từ người lạ cung cấp qua điện thoại hoặc các mối quan hệ trên mạng xã hội. Khi phát hiện các thông tin lạ, có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan công an để xác minh.

Như trường hợp của bà N.T.T. (ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) bị lừa chiếm đoạt số tiền 1,5 tỷ đồng. Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, khoảng cuối tháng 10-2018, bà T. bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ thông báo bà có liên quan đến vụ án rửa tiền của một đường dây ma túy. Người gọi điện cho bà T. cho biết mình là người của Công an TP.Hồ Chí Minh đang thụ lý điều tra vụ án và yêu cầu bà T. phải hợp tác. Không dừng lại việc thông báo qua điện thoại, người này còn sử dụng mạng xã hội Zalo gửi hẳn cho bà một “lệnh bắt tạm giam số 174 QĐ/VKS-P2 của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh”.

Tin tưởng mọi việc là thật, ngay trong ngày bà T. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng tự xưng cán bộ điều tra đến ngân hàng nộp số tiền 1,5 tỷ đồng vào tài khoản của một người có tên Đoàn Thị Hương (mở tại chi nhánh của một ngân hàng ở TP.Hà Nội). Sau khi nộp số tiền trên bà T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Cùng thời điểm này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cũng nhận được thông tin từ một trường hợp khác là bà N.T.C. (ngụ phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) trình báo đã bị các đối tượng dùng chiêu thức tương tự nêu trên lừa chiếm đoạt của bà 700 triệu đồng.

Ngoài 2 vụ việc trên, trong khoảng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh còn tiếp nhận 4 trường hợp khác cũng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự. Qua điều tra của cơ quan công an, cả 4 trường hợp này đều là bị hại của một nhóm đối tượng lừa đảo. Cả 4 người đều yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào cùng 1 tài khoản. Trong đó, bà T.T.M. (ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành) bị lừa 510 triệu đồng; bà N.T.Y. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) mất 670 triệu đồng; ông L.A.S. (ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) mất 551 triệu đồng và bà L.T.N.H. (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) mất 1,6 tỷ đồng.

* Đừng dễ dãi mà “sập bẫy” kẻ lừa đảo

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh ngay lập tức liên hệ với các ngân hàng nơi người dân nộp tiền để ngăn chặn việc di chuyển số tiền trên để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, qua xác minh của cơ quan công an, sau khi người bị hại nộp tiền hoặc chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp thì chỉ trong vài phút số tiền đó được chuyển đến một số tài khoản khác. Các tài khoản này đều là những tài khoản ngân hàng quốc tế và số tiền đó đều được rút ở nước ngoài.

Theo điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, đây là các đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Các đối tượng đã sử dụng hệ thống gọi điện thoại thông qua internet để lừa đảo. Để các nạn nhân tin tưởng, kẻ gian đã tìm hiểu và lập ra các số điện thoại đúng với số của các cơ quan chức năng mà chúng có ý định giả mạo. Không chỉ sử dụng điện thoại, nhóm đối tượng tội phạm còn lập hẳn các trang web ảo, làm văn bản giả... để người dân tin tưởng “kịch bản” của chúng.

Riêng đối với những tài khoản mà các đối tượng sử dụng để nhận tiền từ bị hại, cơ quan công an xác định một số tài khoản được các đối tượng lập ra từ giấy tờ tùy thân của người khác (thông qua việc mua lại thẻ ATM hoặc giấy tờ chúng nhặt được của người đánh mất…). Sau khi nhận tiền, các đối tượng sẽ dùng hệ thống internet banking để chuyển tiền sang tài khoản khác và rút tiền từ nước ngoài.

Danh Trường

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích