Trong những năm qua, Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người bị nhiễm HIV/AIDS, đồng tính...
Trong những năm qua, Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người bị nhiễm HIV/AIDS, đồng tính...
Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú) |
Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí đã giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội nắm bắt được những kiến thức pháp luật cơ bản để tự bảo vệ mình; đồng thời, hỗ trợ chính quyền cơ sở tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật trong thực thi nhiệm vụ.
* Lên rừng trợ giúp pháp lý
Một trong những kết quả nổi bật của hoạt động trợ giúp pháp lý những năm gần đây chính là những đợt luật gia, luật sư của Hội Luật gia tỉnh về vùng sâu, vùng xa tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí cho người dân (thực hiện Dự án trợ giúp pháp lý cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại 6 xã thuộc huyện Tân Phú do Ban Quản lý dự án Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tài trợ). Qua đó, Hội Luật gia tỉnh đã giúp cho các địa phương tháo gỡ được trên 2 ngàn trường hợp vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các xã: Tà Lài, Phú An, Phước Bình (huyện Tân Phú).
Trong 2 năm 2017-2018, Hội Luật gia tỉnh tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí được 7 buổi/170 lượt người thuộc 4 nhóm đối tượng: mại dâm, ma túy, đồng tính, nhiễm HIV/AIDS theo Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Qua đó, Hội đã trực tiếp hỗ trợ pháp lý cho 2 trường hợp nghi bị xâm hại quyền lợi, giới thiệu cho 4 trường hợp tự nguyện đi cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS. |
Chính sự thành công của dự án nói trên đã thôi thúc các luật gia, luật sư của Hội Luật gia tỉnh tiếp tục lên đường thực hiện công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc...
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) bộc bạch, nhờ thực hiện dự án có hiệu quả nên khi đoàn đến tuyên truyền, trợ giúp pháp lý miễn phí lưu động, người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc tham dự rất đông. Các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương luôn tạo điều kiện rất tốt cho đoàn về cơ sở vật chất, tập hợp nhân dân.
* Đa dạng các hoạt động
Luật sư Nguyễn Đức cho biết, thực hiện Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 -2021 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) đã tiến hành tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí lưu động tại 12 xã ở các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Xuân Lộc... với hơn 7 ngàn lượt người tham dự.
Riêng tại 11 điểm tư vấn pháp luật miễn phí của Hội Luật gia tỉnh tại văn phòng hội và các phường trên địa bàn TP.Biên Hòa, trong năm 2018 cũng đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho 542 trường hợp. Đặc biệt, thực hiện quy chế phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội Luật gia tỉnh được mời tham gia giám sát và góp ý 13 trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài của công dân đối với các dự án thu hồi đất của tỉnh.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết, công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị chứ không riêng của cấp, ngành, địa phương nào. Cho nên, việc Hội Luật gia tỉnh tích cực với hoạt động này là góp phần cùng địa phương nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cũng như chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân.
Đoàn Phú