Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều chính sách hỗ trợ người hoàn lương, cai nghiện

08:03, 29/03/2019

Thời gian gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản mới quy định các chính sách hỗ trợ cho những người cai nghiện, sau cai nghiện, người hoàn lương nhằm tạo điều kiện cho họ sớm hòa nhập cuộc sống, làm lại cuộc đời góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Thời gian gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản mới quy định các chính sách hỗ trợ cho những người cai nghiện, sau cai nghiện, người hoàn lương nhằm tạo điều kiện cho họ sớm hòa nhập cuộc sống, làm lại cuộc đời góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Học viên học nghề cơ khí ở Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai. Ảnh: P.HUỆ
Học viên học nghề cơ khí ở Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai. Ảnh: P.HUỆ

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 8 ngàn người chấp hành xong án phạt tù; số người nghiện ma túy có gần 4,5 ngàn người (trong đó có hơn 700 người đang cai nghiện tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai, ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).

* Chính sách mới hỗ trợ người cai nghiện

Theo đánh giá từ Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), mỗi năm số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tăng lên khoảng 400-500 người và ngày càng trẻ hóa (độ tuổi từ 16-30 tuổi chiếm gần 70%), đa số không có nghề nghiệp ổn định. Để hỗ trợ cho các đối tượng này đi cai nghiện và sau cai nghiện về hòa nhập cộng đồng, tỉnh Đồng Nai vừa triển khai một số chính sách mới.

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, cuối năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-HĐND về mức chi, chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai được miễn phí hoàn toàn các chi phí ăn uống, quần áo, đào tạo nghề...

 “Đặc biệt nhất là từ năm 2019, tỉnh Đồng Nai đã miễn phí cho người cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai với mức hỗ trợ gần 10 triệu đồng/người. Thời gian cai nghiện tự nguyện quy định tối thiểu là 6 tháng” - ông Hòa nói.

Ngoài 7 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, Đồng Nai đang triển khai xây dựng 4 cơ sở điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở TP.Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Định Quán. Các cơ sở này sẽ được đưa vào hoạt động trong quý II-2019. Với người cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ 10-15 ngày thì được hỗ trợ mức phí khoảng 1,6 triệu đồng/đợt cắt cơn.

“Việc thành lập các cơ sở điều trị ma túy tại cộng đồng có ý nghĩa nhân văn khi vừa giảm tải cho Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai, vừa giúp người nghiện bớt mặc cảm với xã hội. Hơn nữa việc cai nghiện tại cộng đồng cũng thể hiện rõ hơn trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy thoát khỏi cái chết trắng” - ông Hòa phân tích.

* Tạo cơ hội việc làm

Ngoài công tác cai nghiện, Đồng Nai còn là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai việc đào tạo nghề cho học viên là người hoàn lương, người sau cai nghiện. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức rà soát lại toàn bộ nhu cầu học nghề của người hoàn lương, người sau cai nghiện trên địa bàn. Từ đó phối hợp với các cơ sở dạy nghề tại địa phương cùng thực hiện. Mỗi học viên được hỗ trợ 2 triệu đồng/khóa/3 tháng;  đối với người khuyết tật là 6 triệu đồng/người/khóa học.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai đã tổ chức được 12 lớp đào tạo nghề với các ngành: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cơ khí cắt gọt kim loại và nghề may cho gần 500 học viên.

Riêng việc triển khai đề án dạy nghề cho người hoàn lương được bắt đầu thực hiện trong quý I-2019. Việc đào tạo nghề được thực hiện dựa trên sự phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH với các trường đào tạo nghề tại địa phương. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 300 người hoàn lương đăng ký tham gia học nghề, trong đó chủ yếu nguyện vọng muốn học nghề lái xe và cơ khí. Theo Sở LĐ-TB&XH, nếu nghề học viên muốn học có mức phí cao hơn quy định được cấp thì cá nhân người học phải đóng một phần và Nhà nước hỗ trợ một phần.

Để tăng cường các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, đầu tháng 3-2019, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại các doanh nghiệp gây khó khăn trong việc thu nhận những người hoàn lương xin vào làm việc.

“Trong hồ sơ xin việc không được xác nhận hạnh kiểm (tiền án, tiền sự) của người lao động. Trong trường hợp phát hiện các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm” - ông Hòa cho biết thêm.

Phạm Huệ

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích