Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy ở khu dân cư, các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Qua đó cho thấy tình hình cháy, nổ đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Hiện nay, Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng đang bước vào mùa khô hanh. Đây là thời điểm có nguy cơ cháy, nổ cao nhất trong năm.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh diễn tập phương án chữa cháy tạii tòa nhà Sonadezi (TP.Biên Hòa). Ảnh: Minh Thành |
[links()]Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy ở khu dân cư, các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Qua đó cho thấy tình hình cháy, nổ đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ
Trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, trước nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, nhất là vào thời kỳ cao điểm mùa khô; tăng cường tuyên truyền, nâng nhận thức về PCCC cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và người lao động luôn chủ động đảm bảo an toàn cháy, nổ. |
Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2018. Toàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù các vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng bước đầu cũng gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân, doanh nghiệp.
Phần lớn các vụ cháy gần đây xảy ra ở các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ trong khu dân cư. Đa số các cơ sở bị cháy đều sản xuất, kinh doanh các vật liệu dễ cháy như: gỗ, mút xốp, sơn, bao bì, hạt nhựa... Mới nhất là vụ cháy lớn ở cơ sở gia công đồ gỗ ở KP.9, phường Tân Biên
(TP.Biên Hòa) vào ngày 20-3 thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng và nhiều hàng hóa có giá trị. Hay như vụ cháy cơ sở tái chế bao bì và sản xuất hạt nhựa (ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) ngày 12-3 thiêu rụi 1,2 ngàn m2 nhà xưởng và toàn bộ sản phẩm.
Trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên xuất hiện các đám cháy cỏ, rác, lá khô. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân tự đốt cỏ, rác mà không trông coi, thiếu kiểm soát dẫn đến cháy lớn, cháy lan vào khu dân cư hoặc cháy rừng. Cụ thể như vụ cháy đồng cỏ ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) vào tối 3-3 “uy hiếp” khu dân cư ở ấp Nhị Hòa khiến nhiều người dân vội vã di dời tài sản ra khỏi nhà. Thậm chí, có trường hợp cháy cỏ, rác còn gây cháy cả rừng. Điển hình như vụ cháy 5 hécta rừng tràm và 10 căn nhà lá của người dân ở xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) đều xuất phát từ một đám cháy cỏ, rác gần đó cháy lan sang.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh chữa cháy tại một xưởng kinh doanh gỗ, sản phẩm pallet ở khu vực ngã tư Vũng Tàu (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) Ảnh: Đ.TÙNG |
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cảnh báo, hằng năm ở Đồng Nai nguy cơ cháy, nổ trong cao điểm nắng nóng rất cao, đặc biệt trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ cháy làm 8 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại khoảng 119 tỷ đồng (tăng 113 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017). Các vụ cháy chủ yếu diễn ra ở TP.Biên Hòa (chiếm gần 50% số vụ cháy của cả tỉnh) và huyện Trảng Bom (chiếm trên 21%). Khu vực xảy ra cháy chủ yếu ở các cơ quan, doanh nghiệp (13 vụ) gây thiệt hại hơn 117 tỷ đồng và cháy 13 nhà dân thiệt hại hơn 560 triệu đồng. Gần 30% nguyên nhân các vụ cháy là do sự cố điện, 9% là do sự cố kỹ thuật.
* Còn chủ quan, lơ là phòng cháy
Trong thời gian qua, theo kết quả công tác kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, ở một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch có nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất giày da, bao bì, chế biến gỗ, thức ăn gia súc, dệt nhuộm... có chứa nhiều nguyên liệu, vật liệu, hóa chất dễ cháy, nổ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại chưa thực sự quan tâm và thực hiện nghiêm các biện pháp PCCC nên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ cao.
Một số tồn tại trong công tác PCCC của các doanh nghiệp thường gặp đó là: bố trí, sắp xếp tài sản, vật liệu trong nhà kho, nhà xưởng không bảo đảm an toàn. Cụ thể nhiều nơi còn để hàng hóa gần nơi có nguồn nhiệt. Hàng hóa sắp xếp không gọn gàng cản trở lối thoát nạn, cản trở phương tiện chữa cháy. Hệ thống điện đấu mắc, sử dụng mất an toàn, rất dễ gây sự cố chập, cháy nhất là những công trình xây dựng lâu năm.
Trung tá Lê Văn Duẩn, Phó trưởng Công an huyện Trảng Bom cho biết, qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC, nhiều đơn vị và cá nhân đã tự ý thức được việc đảm bảo an toàn PCCC, chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn, kiểm tra và trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết. Tuy nhiên, tại một số nơi, doanh nghiệp, người dân chỉ tập trung vào làm kinh tế nên chưa quan tâm và nhận thức về tầm quan trọng của công tác PCCC.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ tại TP.Biên Hòa, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC như: sắp xếp hàng hóa che lối thoát hiểm, câu kéo điện mất an toàn dẫn đến nguy cơ chập, cháy rất cao.
Ông Nguyễn Hữu Duy, tiểu thương chợ Biên Hòa cho biết, do diện tích sạp có hạn, hàng hóa lại nhiều và việc buôn bán quá bận nên có lúc lơ là, sơ suất trong PCCC. Sau khi được lực lượng cảnh sát PCCC giải thích, nhắc nhở, các tiểu thương mới nhận ra nguy cơ cháy, nổ từ những điều ít ngờ tới như: việc bố trí hàng hóa che khuất ổ điện, đè lên dây điện, đốt nhang...
Riêng tại các nhà cao tầng, chung cư ở TP.Biên Hòa, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh ghi nhận công tác PCCC ở phần lớn nhà cao tầng, chung cư ở TP.Biên Hòa đều được chú trọng. Tuy nhiên, một số nhà cao tầng, chung cư cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: thiết bị báo khói, báo nhiệt, đèn chiếu sáng sự cố hoạt động còn chập chờn; trong dãy hành lang nhiều nơi có lót thảm, dễ bắt lửa khi khách hút thuốc bất cẩn làm rơi; bố trí lối thoát hiểm không hợp lý; thiết bị chữa cháy cũ, không đảm bảo sử dụng tốt khi có sự cố phát sinh...
Số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ xảy ra trên địa bàn Đồng Nai từ năm 2015-2018 (Thông tin: ĐĂNG TÙNG; Đồ họa: ĐỖ QUYÊN) |
Ngoài ra, theo nhận định của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, nguy cơ cháy, nổ trong mùa nắng nóng còn đến từ hàng ngàn khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, phần lớn các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các khu đô thị đều có diện tích chật hẹp, chỉ có một lối thoát nạn, nguồn điện không đảm bảo an toàn, thường sử dụng bếp gas mini để nấu ăn khiến nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập.
“Việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt như: sử dụng lửa, hút thuốc, nấu ăn, đốt nhang, đốt vàng mã; hàn cắt kim loại… chưa được chú ý về điều kiện an toàn PCCC. Đây chính là yếu tố dẫn đến các sự cố cháy, nổ khi con người bất cẩn trong quá trình sử dụng” - Thiếu tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo.
Minh Thành