Thời gian gần đây, Công an TP.Biên Hòa tiếp nhận một số trường hợp đến trình báo về việc phát hiện một lượng lớn tiền không rõ nguồn gốc trong tài khoản ATM của mình, trong đó có tài khoản "tự dưng" có đến cả tỷ đồng.
Thời gian gần đây, Công an TP.Biên Hòa tiếp nhận một số trường hợp đến trình báo về việc phát hiện một lượng lớn tiền không rõ nguồn gốc trong tài khoản ATM của mình, trong đó có tài khoản “tự dưng” có đến cả tỷ đồng.
Theo Công an TP.Biên Hòa, phần lớn các trường hợp nói trên đều cho người lạ thuê thẻ ATM và cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân của mình để lấy tiền thuê theo tháng.
* Cho thuê thẻ ATM
Trình báo với cơ quan công an, ông Phạm Quốc Tiến (ngụ quận 3, TP.Hồ Chí Minh) là người đứng tên các thẻ ATM tại một số ngân hàng có chi nhánh tại Đồng Nai cho biết, ông vô cùng lo lắng khi phát hiện một lượng lớn tiền không rõ nguồn gốc trong các tài khoản do mình đứng tên sau khi cho người khác thuê thẻ ATM.
Cụ thể, trước đó ông Tiến được bà Lương Tuyết Hằng (quê tỉnh Đồng Tháp) là người quen, đến đặt vấn đề yêu cầu ông Tiến sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để làm thẻ ATM tại các ngân hàng rồi cho bà này thuê tài khoản. Nếu làm được nhiều thẻ ATM thì tiền thuê hàng tháng sẽ được trả cao hơn.
Để phục vụ cho việc xác minh các nguồn tiền trong các tài khoản nói trên, Công an TP.Biên Hòa đề nghị những ai đã từng chuyển tiền vào các tài khoản có tên nói trên liên hệ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa (gặp điều tra viên Lê Đình Võ, điện thoại: 02513.825.098 hoặc 0846.668.889) để trình báo. Trong thời gian 60 ngày kể từ khi ra thông báo nếu không có người dân đến trình báo cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định pháp luật. |
Sau khi ông Tiến làm được 7 thẻ ATM tại các ngân hàng khác nhau (có chi nhánh ở Đồng Nai), ông giao toàn bộ thẻ ATM cho bà Hằng thuê, cung cấp đầy đủ mật khẩu đăng nhập vào các thẻ này cho bà Hằng để thuận tiện sử dụng thẻ. Cơ quan công an cũng xác định sau khi giao toàn bộ số thẻ ATM nói trên, hằng tháng bà Hằng trả cho ông Tiến 1 triệu đồng.
Ngoài trường hợp của ông Tiến, gần đây Công an TP.Biên Hòa cũng nhận được thông tin phản ảnh của nhiều người dân khác đến trình báo nội dung tương tự.
Theo đó, các trường hợp như: bà Trương Thị Thúy Liễu 5 thẻ, Trần Văn Tiến 3 thẻ, Phạm Thị Phương Uyên 1 thẻ, Vũ Thị Xuân Trang 2 thẻ, Nguyễn Trường Ca 2 thẻ, Nguyễn Thị Linh Huệ 1 thẻ. Tất cả những người này đều đứng tên mở các thẻ ATM tại các ngân hàng có chi nhánh tại Đồng Nai sau đó gửi cho bà Hằng để cho thuê.
Làm việc với cơ quan công an, bà Hằng cho biết bà là người trực tiếp đặt số người trên làm thẻ để thuê lại. Tuy nhiên sau khi gom số thẻ trên, bà đã giao lại cho 2 người nước ngoài có quốc tịch Malaysia để sử dụng. Việc những người này sử dụng các thẻ ATM trên vào mục đích gì thì bà không hay biết. Hằng tháng những người này trả tiền thuê thẻ cho bà Hằng để bà giao lại cho các chủ thẻ theo thỏa thuận. Những người cho thuê thẻ (tùy theo số lượng) mỗi tháng được trả từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
* Cảnh giác để không tiếp tay cho tội phạm
Theo xác minh của cơ quan công an, sau một thời gian liên hệ “đặt hàng” làm thẻ ATM để giao cho 2 người ngoại quốc thuê lại, bà Hằng không liên lạc được với những người này. Trong khi đó, do lo sợ việc làm thẻ ATM để cho những người ngoại quốc thuê lại có thể tiếp tay cho việc làm phi pháp nào đó nên bà Hằng liên hệ với các chủ thẻ, yêu cầu những người này ra ngân hàng hủy các tài khoản đã lập trước đó.
Nhận được yêu cầu này, những người cho bà Hằng thuê thẻ mang giấy tờ tùy thân đến các chi nhánh ngân hàng mà mình làm thẻ yêu cầu hủy tài khoản. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, phía ngân hàng phát hiện trong các tài khoản này có rất nhiều tiền. Trước thông tin này, các chủ thẻ đã yêu cầu ngân hàng rút toàn bộ số tiền này và mang đến cơ quan công an trình báo. Theo xác minh, đến nay các chủ thẻ nói trên đã giao nộp cho cơ quan công an số tiền lên đến hàng tỷ đồng để phục vụ công tác xác minh.
Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, trước đây đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết nhiều trường hợp người dân tố cáo hành vi lừa đảo qua mạng xã hội. Theo đó một số đối tượng thường thông qua các cuộc gọi điện thoại giả danh là cán bộ điều tra của các cơ quan công an, viện kiểm sát, các tổ chức phòng chống tội phạm ma túy... đe dọa người dân phải gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng để giải quyết. Một số người dân nhẹ dạ tin tưởng đã gửi tiền vào các tài khoản lạ sau đó mới phát hiện mình bị lừa.
Trong vụ việc này, hiện cơ quan công an vẫn chưa xác định nguồn gốc số tiền trong các tài khoản nói trên. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp, các cá nhân, tổ chức đã lợi dụng các thẻ ATM thuê này để tiếp nhận tiền trong các vụ lừa đảo. Đối với những người dân đã từng làm thẻ cho người lạ thuê lại cũng cần phải cảnh giác nếu không sẽ tiếp tay cho các tổ chức tội phạm đã và đang hoạt động lừa đảo thông qua hệ thống internet.
Trần Danh