Năm 2018, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng để lại hậu quả rất nặng nề. Dù TNGT tiếp tục được kéo giảm, nhưng con số thương vong vẫn còn ở mức cao.
Năm 2018, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng để lại hậu quả rất nặng nề. Dù TNGT tiếp tục được kéo giảm, nhưng con số thương vong vẫn còn ở mức cao.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh lập biên bản xử lý một trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. |
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018 vào sáng 4-1, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, số vụ tai nạn đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 90% tổng số vụ tai nạn.
* Còn xảy ra nhiều tai nạn đặc biệt nghiêm trọng
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2018, cả nước xảy ra hơn 18,7 ngàn vụ TNGT, làm chết gần 8,2 ngàn người và bị thương hơn 14,8 ngàn người; so với cùng kỳ năm 2017 đã kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do TNGT. Tuy nhiên, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra nhiều.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo, trong năm 2019 các lực lượng chức năng phải tập trung xử lý mạnh đối với 2 hành vi gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng người đi đường là vi phạm quy định nồng độ cồn và người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. |
Cụ thể, năm 2018 cả nước đã xảy ra 38 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 137 người chết và 115 người bị thương. Trong đó, có 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô chở khách tại các tỉnh: Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam và Lai Châu làm 34 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do người lái xe chủ quan trong điều khiển phương tiện như: tài xế ngủ gật, không thực hiện nguyên tắc điều khiển khi đi đèo, xuống dốc…
Mới đây, vào ngày 2-1, trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Long An) đã xảy ra vụ TNGT thảm khốc khiến 4 người tử vong và 18 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu do tài xế xe container điều khiển phương tiện trong trạng thái không đảm bảo an toàn (sử dụng chất kích thích) dẫn đến mất kiểm soát gây tai nạn liên hoàn với 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ.
Bên cạnh đó, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2018 còn nổi lên tình trạng mất an toàn giao thông ở lĩnh vực hàng không, gây bức xúc dư luận. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cả nước đã xảy ra 80 sự cố. Trong đó, có 2 sự cố nghiêm trọng, 8 vụ uy hiếp an toàn cao, 70 vụ uy hiếp an toàn. So với năm 2017, sự cố nghiêm trọng tăng 100%, uy hiếp an toàn tăng 9,1%. Từ đó, đặt ra vấn đề về quản lý, điều hành và xử lý sự cố trong an toàn bay của các hãng hàng không trong thời gian tới phải thực hiện chặt chẽ hơn.
* Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các ngành chức năng khi đánh giá nguyên nhân, mức độ thiệt hại và biện pháp xử lý cần phải có chế tài với cả chủ xe có tài xế gây tai nạn. Bởi vì doanh nghiệp vận tải cần có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát tài xế. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm, xử lý chủ xe nếu phát hiện để xảy ra trường hợp ép tài xế tăng chuyến, chạy quá giờ quy định, không đảm bảo an toàn giao thông.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian tới cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Bộ Giao thông - vận tải và các ngành chức năng phải xem xét lại các quy định về giám sát, xử lý đối với những lái xe đường dài không chấp hành quy định thời gian điều khiển phương tiện. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm vì hậu quả của tình trạng này vô cùng nghiêm trọng.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng những vụ TNGT gần đây ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng. Các văn bản pháp luật hiện hành không đủ chế tài trong xử phạt vi phạm an toàn giao thông cũng như xử lý các nguyên nhân gây ra tai nạn. Nhiều đối tượng lợi dụng ùn tắc giao thông nhằm cản trở, gây rối trật tự xã hội nhưng lực lượng cảnh sát giao thông thiếu hành lang pháp lý để xử lý.
“Đề nghị nghiên cứu tách Luật Giao thông đường bộ ra thành 2 phần, bao gồm Luật Giao thông vận tải đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông để dễ dàng trong xử lý vi phạm cũng như quản lý người điều khiển phương tiện” - Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh.
Thanh Hải