Báo Đồng Nai điện tử
En

Để hạn chế giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực

10:01, 16/01/2019

Theo đánh giá của Công an tỉnh, năm 2018 nhiều loại tội phạm hình sự như giết người, trộm cắp tài sản có xu hướng giảm nhưng án cố ý gây thương tích vẫn tiếp tục gia tăng (xảy ra 289 vụ, tăng 25 vụ so với năm 2017) và đang trở thành vấn đề nan giải của các cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, năm 2018 nhiều loại tội phạm hình sự như giết người, trộm cắp tài sản có xu hướng giảm nhưng án cố ý gây thương tích vẫn tiếp tục gia tăng (xảy ra 289 vụ, tăng 25 vụ so với năm 2017) và đang trở thành vấn đề nan giải của các cơ quan chức năng.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh cảnh báo, hiện nay giới trẻ có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, nhất là các mâu thuẫn xuất phát trong bàn nhậu hoặc chỉ từ những cái nhìn đểu, lời nói khiêu khích, va quẹt giao thông… cũng dễ dàng dẫn đến ẩu đả, gây thương tích, thậm chí dẫn đến tử vong.

* Đả thương vì mâu thuẫn nhỏ

Cũng theo Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo nên sự thay đổi quan trọng về kinh tế dẫn đến thay đổi về cơ cấu dân số, lao động. Riêng trong năm 2018 Đồng Nai đã tăng hơn 60 ngàn dân nhập cư, do đó công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt,  những mâu thuẫn cá nhân trong các khu dân cư, khu nhà trọ, khu công nghiệp rất khó kiểm soát và phòng ngừa. Từ những mâu thuẫn kéo dài dẫn đến việc đâm chém lẫn nhau để giải quyết. Thậm chí có những vụ việc chỉ đơn giản là bộc phát nhất thời trong sinh hoạt, ăn nhậu.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng để hạn chế tình trạng cố ý gây thương tích, quan trọng nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến người dân, nhất là ở các khu nhà trọ, khu công nghiệp, các trường học để người dân nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của hành vi do mình gây ra.

Điển hình như ngày 8-12, sau khi đi nhậu về, ông Hoàng Văn Trường (43 tuổi, quê tỉnh Bắc Giang) leo lên gác tại phòng trọ thuộc xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) nói chuyện điện thoại với bạn gây ồn ào nên bị Nguyễn Trọng Nghĩa (31 tuổi, quê tỉnh Bình Dương, sống chung phòng) nhắc nhở. Ông Trường vẫn không chịu nghe nên giữa 2 bên xảy ra mâu thuẫn, thách thức đánh nhau. Trong lúc không kiềm chế được cơn giận, Nghĩa đã lấy dao đâm vào ngực ông Trường khiến nạn nhân bị thương nặng. Sau khi gây án, Nghĩa đã bị Công an huyện Thống Nhất bắt giữ.

Tương tự, vào ngày 29-6, ông Hoàng Trung Hải (48 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) điều khiển xe ô tô biển số 51D-197.12 đến cửa hàng cho thuê giàn giáo tại xã Bắc Sơn đón vợ. Trong lúc ông Hải đang dừng xe phía trước cửa hàng thì Hồ Văn Tuân (36 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) lên tiếng phàn nàn về việc ông Hải chạy xe gây bụi. Sau khi lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn, Tuân lấy cục gạch ném mạnh vào đầu ông Hải gây thương tích 27%.

* Khó khăn trong xử lý

Theo nhận định của Công an tỉnh, phần lớn các vụ cố ý gây thương tích thường xảy ra trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, có dân nhập cư đông như TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu…

Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế - ma túy Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết, vào ngày nghỉ công nhân ở các khu nhà trọ thường tổ chức nhậu nhẹt. Những vụ cố ý gây thương tích xuất phát đa phần từ các cuộc nhậu này. Nhiều người sau khi có hơi men đã không làm chủ được bản thân, dễ nổi nóng dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau.

Tại huyện miền núi Tân Phú, tình trạng đánh nhau thường xảy ra ở nhóm đối tượng tổ chức, tham gia đá gà ăn tiền hoặc tệ nạn xã hội ở các vùng giáp ranh; mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến bức xúc rồi đánh nhau... Thậm chí xảy ra một số trường hợp người thân trong gia đình chém nhau vì tranh giành tài sản.

Việc xử lý đối với tội phạm cố ý gây thương tích cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Tân Phú, do là vùng giáp ranh nên các đối tượng thường lưu động từ các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Lâm Đồng sang Đồng Nai gây án khiến cơ quan công an gặp khó khăn trong xác minh cũng như bắt giữ đối tượng.

“Các đối tượng sau khi gây án thường đến nhà bị hại để thương lượng bồi thường. Sau khi 2 bên đã đạt thỏa hiệp thì bị hại rút đơn hoặc không chịu đi giám định. Điều này không chỉ gây khó khăn trong công tác điều tra mà còn tạo cho các đối tượng gây án tâm thế coi thường pháp luật” - Đại úy Dũng cho biết thêm.

Để hạn chế việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, Trung tá Đoàn Khả Hưng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Thống Nhất cho rằng cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở cơ sở. Khi các mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn xã hội như tranh chấp đất đai, tài sản... được giải quyết, tháo gỡ dứt điểm ngay từ đầu sẽ hạn chế bức xúc dẫn đến đánh nhau. Ngoài ra, đối với một số địa bàn có nhiều khu công nghiệp, có dân nhập cư đông, công an các địa phương phải thường xuyên có sự kiểm tra, tuần tra, theo dõi các đối tượng có nhân thân xấu, ăn chơi lêu lổng, hay tụ tập gây mất an ninh trật tự trên địa bàn để góp phần ngăn chặn ngay từ đầu.

Phạm Huệ

Tin xem nhiều