Báo Đồng Nai điện tử
En

Thi hành án dân sự: Vượt chỉ tiêu, nhưng vẫn còn khó...

10:11, 30/11/2018

Trong năm 2018, ngành Thi hành án dân sự (THADS tỉnh) đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thực hiện vượt chỉ tiêu được Tổng cục THADS giao.

Trong năm 2018, ngành Thi hành án dân sự (THADS tỉnh) đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thực hiện vượt chỉ tiêu được Tổng cục THADS giao.

Các chấp hành viên THADS tỉnh làm thủ tục bàn giao tài sản thi hành án sau khi tiến hành cưỡng chế cho một hộ dân.
Các chấp hành viên THADS tỉnh làm thủ tục bàn giao tài sản thi hành án sau khi tiến hành cưỡng chế cho một hộ dân.

Mới đây tại hội nghị triển khai công tác THADS, hành chính năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh Đinh Quốc Thái đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành THADS tỉnh trong năm 2018, đã góp phần quan trọng, tích cực vào việc đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* Nỗ lực thực hiện chỉ tiêu

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu cho biết, trong năm 2018 ngành tập trung các giải pháp thúc đẩy THADS đối với những án tồn, án có điều kiện thi hành nhưng chậm thi hành, án liên quan đến tín dụng, ngân hàng...

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành THADS trong năm 2019 là triển khai các đợt thi hành án cao điểm, tập trung tổ chức cưỡng chế thi hành án các vụ có tài sản lớn; những vụ việc đã bán đấu giá thành phải giao tài sản; giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành, không để tồn đọng kéo dài. Đặc biệt là án liên quan đến tín dụng, ngân hàng và thu hồi tài sản nhà nước.

Kết quả nổi bật, trong tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành án trong năm 2018, cục và các chi cục THADS trên địa bàn tỉnh đã thi hành án hơn 17 ngàn việc (đạt tỷ lệ 76,07% ) và trên 804 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 38,85%). Trong khi chỉ tiêu Tổng cục THADS giao cho THADS tỉnh là 72% về việc và 32% về số tiền trong tổng số vụ việc và số tiền có điều kiện thi hành.

Ngoài việc chú trọng các giải pháp thúc đẩy THADS vượt tỷ lệ về việc, về tiền, năm 2018, ngành THADS tỉnh chú trọng thực hiện các giải pháp khác như: ra quyết định thi hành án đúng thời hạn với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS; chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân...

“Trong năm 2018, công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra luôn được ngành THADS tỉnh chú trọng. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các chi cục, bám sát được tình hình thực tiễn, đề ra các giải pháp, hướng giải quyết hợp lý, đúng pháp luật” - ông Phan Văn Châu cho biết thêm.

* Vẫn còn khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành THADS tỉnh thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể như: các án tồn đọng nhiều năm trước đến nay vẫn chưa giải quyết xong; quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn một số vụ việc vi phạm quy trình, thủ tục thi hành án; cơ sở vật chất, năng lực chấp hành viên vẫn chưa đáp ứng được với nhiệm vụ thi hành án ngày càng tăng. Nhất là việc cơ quan THADS thụ động, lúng túng trong việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án nhưng tài sản này nằm trong quy hoạch, chờ bồi thường và xử lý tài sản đảm bảo thi hành án của bên thứ ba....

Ông Nguyễn Văn Sơn, Cục phó Cục THADS tỉnh chia sẻ, trung bình số việc một chấp hành viên phải giải quyết từ 400-600 việc/năm thật sự là một áp lực lớn đối với ngành THADS trong việc đảm bảo chỉ tiêu cấp trên giao và thi đua trong ngành. Đồng thời, thể chế pháp luật quy định về tổ chức thi hành án vẫn còn một số chỗ bất cập, chồng chéo; sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc xác minh tài sản để thi hành án chưa nhịp nhàng; người bị thi hành án vẫn tìm mọi cách kéo dài việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý...

Theo ông Sơn, một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục khó khăn, hạn chế là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho các chấp hành viên để mỗi chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc án đúng quy trình, đảm bảo vụ việc án phải được xác minh phân loại đúng; đẩy nhanh tiến độ thi hành, không để án tồn đọng do lỗi chủ quan của chấp hành viên.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều