Báo Đồng Nai điện tử
En

Mánh cũ nhưng vẫn có người bị gạt

09:10, 29/10/2018

Từ đầu năm 2018 đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh vẫn xuất hiện nhiều trường hợp bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua gọi điện thoại, trao đổi trên internet. Điều đáng nói, dù các thủ đoạn lừa đảo này đã cũ nhưng nhiều người vẫn dễ dàng sập "bẫy".

Từ đầu năm 2018 đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh vẫn xuất hiện nhiều trường hợp bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua gọi điện thoại, trao đổi trên internet. Điều đáng nói, dù các thủ đoạn lừa đảo này đã cũ nhưng nhiều người vẫn dễ dàng sập “bẫy”.

Một nạn nhân bị lừa qua điện thoại đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh trình báo sự việc.
Một nạn nhân bị lừa qua điện thoại đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh trình báo sự việc.

Gần nhất là vào ngày 1-8, một người đàn ông xưng là cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai gọi điện thoại thông báo cho bà N.T. (ngụ huyện Long Thành) báo tin bà bị kiện vì nợ cước điện thoại gần 8 triệu đồng.

* Chiêu cũ vẫn bị lừa

Dù bà N.T. nhiều lần khẳng định bản thân không nợ cước điện thoại nhưng người đàn ông phía đầu dây bên kia liên tục trao đổi và yêu cầu bà cho biết thông tin cá nhân để kiểm tra lại. Một lúc sau, người đàn ông này gọi lại đe dọa có một nhóm tội phạm đã sử dụng thông tin cá nhân của bà N.T. mở tài khoản tại Ngân hàng B.A. “Nhóm tội phạm” đã chuyển 6 tỷ đồng vào tài khoản của bà rồi rút ra nên bà N.T. bị nghi ngờ có liên quan đến đường dây rửa tiền.

Sau đó, người đàn ông này đề nghị bà N.T. chuyển tiền vào số tài khoản có tên Chu Văn Minh ở chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội. Đối tượng cũng hứa sau khi kiểm tra, xác minh bà N.T. trong sạch thì sẽ chuyển trả lại tiền. Vì tin lời, bà T. đã làm theo hướng dẫn của người này và bị kẻ gian rút sạch gần 700 triệu đồng dành dụm bấy lâu.

Chỉ tính từ tháng 7 đến tháng 9-2018, Công an tỉnh nhận được tin báo của 6 bị hại trong các vụ lừa đảo qua internet và điện thoại với số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng.

Tương tự, sau khi bị kẻ gian đe dọa liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu chuyển tiền trong tài khoản để kiểm tra, ông L.H.G. (ngụ huyện Trảng Bom) đã nghe theo và thực hiện giao dịch chuyển tiền 4 lần (mỗi lần từ 50-200 triệu đồng) cho bọn chúng với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.

Ngoài hình thức lừa đảo bằng cách xưng hô là cán bộ điều tra, nhân viên các cơ quan nhà nước để đe dọa, lừa tiền thì một số bị hại khác cũng vì nhẹ dạ cả tin rơi vào “bẫy tình” của bọn lừa đảo.

Bà Đ.T.P. (ngụ TP.Biên Hòa) kể lại, vào ngày 10-9, bà lên Facebook và kết bạn với một người tự xưng là John, cán bộ nghỉ hưu, cấp hàm Đại tá, đang hoạt động tại chiến trường Iraq. Sau khi thân thiết, đối tượng nói bản thân là cựu chiến binh nên muốn chọn Việt Nam làm nơi lưu trú và hứa sẽ cưới bà P. làm vợ. Người đàn ông nói sẽ gửi hàng chục tỷ đồng về cho bà P. đầu tư mua đất để khi đối tượng về Việt Nam có chỗ sinh sống.

Vài ngày sau, bà P. nhận được điện thoại yêu cầu đóng tiền phí để làm thủ tục xuất hàng gửi từ nước ngoài về và lo lót các đơn vị xuất nhập khẩu... Vẫn tin món quà do John gửi đã đến cửa khẩu nên ngày 14-9 bà P. nhiều lần nộp vào tài khoản do đối tượng lạ cung cấp với số tiền hơn 2 tỷ đồng và bị cuỗm sạch.

* Cần đề cao cảnh giác

Trung tá Lê Nam, cán bộ Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm sở hữu và các tội phạm hình sự khác, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: “Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Chúng chỉ giao dịch thông qua điện thoại hoặc các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... Đối tượng bị lừa thường là những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết”.

Theo đó, trước khi lừa đảo, kẻ gian thường tra cứu rất kỹ thông tin cá nhân của những bị hại. Chúng dùng lời nói hoặc các văn bản pháp lý giả như: giấy triệu tập, lệnh bắt khẩn cấp, lệnh kê biên tài sản... để gửi thông qua Zalo hoặc Facebook với mục đích đe dọa bị hại và yêu cầu chuyển tiền cho chúng.

Trung tá Trần Tiến Sỹ, Đội phó Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm sở hữu và các tội phạm hình sự khác, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho hay: “Bị hại trình báo sự việc chậm dẫn đến khi lừa được tiền thì các đối tượng đã rút sạch tiền trong tài khoản trước khi bị phát hiện. Việc lừa đảo chỉ thông qua mạng xã hội hoặc điện thoại nên bị hại hầu như không cung cấp được thông tin liên quan đến các đối tượng. Ngoài ra việc lập tài khoản ngân hàng quá dễ dàng tạo sơ hở cho các đối tượng phạm tội”.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, Trung tá Sỹ cho rằng người dân cần cảnh giác và giữ gìn tài sản cá nhân, không tham những thứ không thuộc về mình để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Đối với những thông tin yêu cầu chuyển tiền từ người lạ thông qua điện thoại, mạng xã hội thì người dân không nên tin tưởng mà phải báo cho cơ quan công an để có hướng xử lý đúng đắn, tránh mất tiền oan.

Tố Tâm

Tin xem nhiều
đồ cũ miền bắc đồ cũ ngọc hưng