Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó khăn trong quản lý, xử lý xe vi phạm tạm giữ

09:10, 11/10/2018

Trong 2 ngày 8 và 9-10, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã làm việc với Đồng Nai về kết quả thực hiện kết luận của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm bị tạm giữ.

Trong 2 ngày 8 và 9-10, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã làm việc với Đồng Nai về kết quả thực hiện kết luận của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm bị tạm giữ.

Đoàn công tác của Bộ Tư pháp kiểm tra thực tế tại bãi giữ xe vi phạm của Công an tỉnh.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp kiểm tra thực tế tại bãi giữ xe vi phạm của Công an tỉnh.

Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 7,7 ngàn phương tiện giao thông vi phạm hành chính đang bị tạm giữ. Trong số này có hơn 6,9 ngàn phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ, có quyết định xử phạt nhưng người vi phạm, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp không đến giải quyết.

* Phương tiện bị tạm giữ tồn đọng nhiều

Tính đến giữa tháng 9-2018, số phương tiện vi phạm bị tạm giữ tại các kho, bãi đã được giải quyết giảm 58,6% so với tháng 8-2017 (hơn 7,7 ngàn/ hơn 18,7 ngàn phương tiện). Tuy nhiên số lượng phương tiện bị tạm giữ vẫn còn nhiều, trong đó có hàng trăm phương tiện lưu giữ nhiều năm, mục nát nhưng chưa được xử lý.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khắc phục, tháo gỡ những khó khăn để kịp thời xử lý tình trạng xe vi phạm tồn ứ không được giải quyết. Trong đó, những phương tiện bị tịch thu sung công quỹ cũng phải nhanh chóng được bán đấu giá thu hồi tài sản nhằm tránh thiệt hại. Đối với những phương tiện đang trong thời gian chờ người dân đến nhận lại cũng phải được bảo vệ an toàn, giảm thiểu sự hư hỏng do không được bảo vệ trong điều kiện tốt.

Trên thực tế, công tác xử lý đối với các phương tiện vi phạm bị tạm giữ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo đại diện Công an tỉnh, trung bình hằng năm, các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ tạm giữ hơn 20 ngàn phương tiện các loại (trong đó xe máy chiếm 95%). Trong khi đó các bãi giữ xe của lực lượng công an chưa đáp ứng nhu cầu do thiếu diện tích, thiếu kinh phí để xây dựng, nâng cấp... Bên cạnh đó, nhiều người vi phạm sau khi bị tạm giữ phương tiện đã không đến để giải quyết và bỏ luôn phương tiện (do giá trị sử dụng thấp trong khi chi phí xử phạt cao).

* Không dễ thanh lý, đấu giá tài sản

Một trong những khó khăn khác của các lực lượng chức năng khi thực hiện giải quyết, xử lý các phương tiện vi phạm đó là công tác thanh lý, đấu giá tài sản. Công tác này phải trải qua hàng loạt các thủ tục như: xác minh nguồn gốc chủ sở hữu, mời đương sự đến giải quyết, tổ chức giám định, tra cứu xe nghi vấn không hợp pháp, xe bị đục số khung, số máy…; đăng thông báo công khai ít nhất 2 lần (sau 30 ngày), sau đó ngành chức năng chuyển cho trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh hoặc hội đồng bán đấu giá cấp huyện để thực hiện bán đấu giá các phương tiện. Để thực hiện xong các bước này thường phải mất ít nhất 6 tháng mới hoàn thành. Chính vì vậy để giải quyết một lượng xe vi phạm lớn như trên phải mất rất nhiều thời gian.

Thượng tá Lê Phước Đại, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian xử lý các phương tiện vi phạm là công tác xác minh tìm chủ sở hữu. Ngoài những phương tiện đăng ký ở địa phương còn có các phương tiện đăng ký ở các tỉnh, thành khác nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn. Sau khi xác minh được thì có khi xảy ra trường hợp địa chỉ không đúng hoặc chủ sở hữu không đến giải quyết.

Cũng theo Thượng tá Đại, do lượng phương tiện cần phải giám định quá lớn nên việc chờ kết quả giám định cũng mất rất nhiều thời gian. Đến khâu cuối cùng là bán đấu giá nhưng do nhiều lô hàng đấu giá cao nên không tìm được người mua, buộc phải chờ.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng Đồng Nai cần phải khắc phục những tồn tại trên, không để phương tiện mục nát vì lưu giữ quá lâu gây thất thoát, lãng phí. Đối với các kho, bãi lưu giữ phải được đảm bảo an toàn, công tác phòng chống cháy nổ cũng phải được thực hiện đầy đủ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung giải quyết lượng xe vi phạm tồn đọng lâu ngày; đồng thời kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các phương tiện tạm giữ. Đối với những phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị mà chủ sở hữu, người vi phạm không đến nhận lại thì có thể tiến hành ngay các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tài sản.

Trần Danh

Tin xem nhiều