Theo đánh giá từ cơ quan chức năng của tỉnh, mặc dù tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ đã có chiều hướng giảm nhưng thủ đoạn lại tinh vi và các đối tượng ngày càng manh động.
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng của tỉnh, mặc dù tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ đã có chiều hướng giảm nhưng thủ đoạn lại tinh vi và các đối tượng ngày càng manh động.
Lực lượng chức năng của tỉnh bắt giữ một vụ hàng điện tử lậu. |
Để tiếp tục đấu tranh với loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (PC03) Công an tỉnh triển khai các kế hoạch nhằm phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, đảm bảo tình hình an ninh kinh tế địa phương.
* Bắt nhiều vụ buôn lậu
Thượng tá Lê Văn Khuyện, Phó trưởng phòng PC03 Công an tỉnh cho biết thời gian qua, lợi dụng sự sơ hở của cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng vận chuyển nhiều loại hàng hóa từ nước láng giềng về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Riêng Đồng Nai được xem là nơi trung chuyển hàng hóa từ các cửa khẩu để tập trung tại TP.Hồ Chí Minh.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Công an tỉnh phát hiện được 197 vụ/210 đối tượng liên quan đến hàng lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ (trong đó khởi tố 7 vụ/11 bị can). Tang vật thu giữ gần 20 ngàn bao thuốc lá nhập lậu, 6 xe tải ben, 127 bịch bột giặt giả nhãn hiệu OMO, ABA..., 24 máy game bắn cá, 43 thiết bị điện và hàng ngàn chai, tuýp mỹ phẩm các loại... |
Các mặt hàng không rõ nguồn gốc chủ yếu là: giày dép, mỹ phẩm, kim khí điện máy, rượu bia, thuốc lá hoặc các chất cháy nổ… Ngoài ra, việc làm giả đồ gia dụng, phân bón hoặc thực phẩm chức năng... đang diễn biến phức tạp. Những mặt hàng này thường mang lại lợi nhuận cao, dễ dàng vận chuyển và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Gần đây, vào ngày 10-8, PC03 Công an tỉnh đã kiểm tra và phát hiện xe ô tô biển số 94C-007.45 do ông Nguyễn Thành Tài (38 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) điều khiển chở hàng chục ngàn đôi giày, dép không rõ nguồn gốc. Ông Tài khai nhận số hàng hóa trên được nhập lậu thông qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để đem về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ thì bị Công an Đồng Nai bắt giữ.
Trước đó vào ngày 8-7, cơ quan chức năng của tỉnh cũng phát hiện và bắt giữ xe ô tô tải biển số 50LD-084.26 chở nhiều loại giày dép không có xuất xứ rõ ràng khi xe lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua khu vực TP.Biên Hòa. Qua điều tra, tài xế Nguyễn Trần Quỳnh (42 tuổi, quê tỉnh Hòa Bình) khai nhận được một người thuê chở hàng từ Hòa Bình vào TP.Hồ Chí Minh để giao cho các đầu mối tiêu thụ. Cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số giày dép trên.
* Thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh
Hiện nay, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn không khai báo nhãn hiệu hàng hóa, khai sai xuất xứ, chủng loại, số lượng để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan. Hơn nữa khi đóng gói hàng hóa, các đối tượng thường trộn lẫn hàng thật, giả hoặc đóng hàng hóa ngụy trang vào thùng carton có nhãn hiệu khác để che mắt cơ quan chức năng…
Đặc biệt hơn, hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng thường thuê 3-4 xe dịch vụ từ 12-16 chỗ nối đuôi nhau đi. “Họ sẽ bố trí xe đi trước để dò đường, cảnh giới; có 1-2 chiếc xe chở hàng hóa, còn lại là xe chở đồng bọn mang theo dao, mã tấu, thậm chí là súng để chống lại lực lượng công an khi bị phát hiện hoặc có hành vi cản trở cho xe chở hàng tẩu thoát” - Thượng tá Khuyện cho biết.
Tội phạm buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ thường tổ chức và phân công nhiệm vụ rất bài bản. Kẻ cầm đầu không lộ diện mà chỉ điều khiển từ xa cho đồng bọn qua các thiết bị thông minh như: điện thoại, bộ đàm có tần sóng riêng...
Theo Thượng tá Khuyện, công tác đấu tranh với các loại tội phạm này rất khó, do lực lượng của đơn vị còn mỏng, trang thiết bị sử dụng để phát hiện và ngăn chặn tội phạm chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác đấu tranh, chứng minh hành vi vi phạm kéo dài do hàng hóa chủ yếu được vận chuyển theo đường dài, hóa đơn chứng từ không rõ ràng, xoay vòng khiến cho công tác xác minh của lực lượng công an mất nhiều thời gian.
Để tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ, Đại tá Trần Văn Thăng, Trưởng phòng PC03 cho biết các ngành chức năng của tỉnh đã đề ra nhiều kế hoạch tác chiến, trong đó xác định các tuyến, địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực, đối tượng đấu tranh và mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng thực hiện các mặt công tác cơ bản. Lực lượng công an cũng được tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện các đối tượng cầm đầu. Từ đó chủ động nắm chắc thành phần ổ nhóm, quy luật hoạt động, phương thức thủ đoạn để có biện pháp phù hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Phạm Huệ