Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức, một trong những nội dung có nhiều ý kiến tranh luận nhất là việc xử lý tài sản và thu nhập tăng thêm nhưng không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ được giải quyết theo hướng nào.
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức, một trong những nội dung có nhiều ý kiến tranh luận nhất là việc xử lý tài sản và thu nhập tăng thêm nhưng không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ được giải quyết theo hướng nào.
Ông Doãn Cao Sơn, Phó trưởng phòng Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án kinh tế, chức vụ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T. Danh |
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi gồm 11 chương, 96 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nội dung xử lý tài sản và thu nhập tăng thêm không rõ nguồn gốc được nêu ra tại Điều 57.
* Chuyển cho tòa án hay cơ quan thuế?
Theo đó, có 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Phương án thứ nhất do tòa án xem xét, quyết định. Phương án thứ hai là chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Năm cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp sắp tới nhằm đáp ứng nguyện vọng của cử tri và giúp dự luật khi trình Quốc hội đạt chất lượng tốt nhất. |
Đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó giám đốc Công an tỉnh thống nhất với phương án giao cho tòa án giải quyết, quyết định các biện pháp xử lý hành chính ngay tại tòa. Các phiên tòa này có sự tham gia của luật sư, người bảo vệ quyền lợi, lợi ích của các bên nên sẽ đảm bảo được tính dân chủ, khách quan cũng như quyền lợi của các bên.
Đồng tình với phương án này, ông Doãn Cao Sơn, Phó trưởng phòng Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án kinh tế, chức vụ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng việc giao cho tòa án xem xét quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Tòa ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý và ngược lại sẽ bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát trong trường hợp người đó đã giải trình hợp lý.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng phương án chuyển cho tòa án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không rõ nguồn gốc là chưa hợp lý. Một trong những hạn chế lớn nhất của phương án này là sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện nghĩa vụ chứng minh tài sản tham nhũng, trong khi đây là vấn đề thực tiễn đang gặp rất nhiều vướng mắc do tội phạm tham nhũng thường khó phát hiện, quá trình chứng minh tài sản rất khó khăn, nhiều trường hợp tài sản đã bị tẩu tán, không thu hồi được.
* Vì sao nên chuyển cho cơ quan thuế?
Mặc dù đang còn có nhiều ý kiến trái chiều về Điều 57 của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi nhưng phần lớn các ý kiến đều thống nhất với phương án chuyển cho cơ quan thuế để đánh thuế nguồn tài sản và thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc.
Theo đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, khi có tài sản và thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải do cơ quan chuyên môn như: cơ quan điều tra, thanh tra tiến hành xác minh xem tài sản đó có vi phạm pháp luật để khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không? Nếu không có khởi tố thì tòa cũng không thể ra quyết định về tài sản và thu nhập tăng thêm không rõ nguồn gốc được. Nếu tòa thu nguồn tài sản này thì dễ phát sinh quyết định giải quyết không hợp lý.
Đa số các ý kiến tán đồng việc xử lý tài sản thu nhập tăng thêm chuyển cho cơ quan thuế là hợp lý để xác minh trước vấn đề đóng thuế thu nhập cá nhân. Sau đó nếu phát hiện sai phạm thì xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai. Trong quá trình giải quyết vụ việc (hành chính hoặc hình sự) cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh nguồn tài sản này để giải quyết theo pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng nội dung xử lý tài sản và thu nhập tăng thêm không rõ nguồn gốc là một nội dung mới và quan trọng của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Do vậy, để đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất rà soát kỹ các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và pháp luật về thuế để đảm bảo tính pháp lý, tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Trần Danh