Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp phụ nữ tự bảo vệ mình

09:09, 22/09/2018

Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam vào năm 2010 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có đến 58% phụ nữ kết hôn cho biết họ đã từng bị ít nhất một trong 3 loại bạo lực (thể xác, tình dục và tinh thần) trong cuộc đời.

Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam vào năm 2010 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có đến 58% phụ nữ kết hôn cho biết họ đã từng bị ít nhất một trong 3 loại bạo lực (thể xác, tình dục và tinh thần) trong cuộc đời.

Giám sát 10 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tại huyện Nhơn Trạch.
Giám sát 10 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tại huyện Nhơn Trạch.

Từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực vào năm 2008, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đã thành lập nhiều mô hình, triển khai những hoạt động thiết thực hàn gắn nhiều cuộc hôn nhân, giúp hội viên phụ nữ tự bảo vệ mình trước tình trạng bạo lực gia đình.

* Từ các mô hình hỗ trợ...

Nhận thấy bạo lực gia đình ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, lực lượng công an lại có kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc nên Trung tá Lê Thị Lợi, Trưởng Công an phường Tân Mai đã đề xuất Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Biên Hòa thành lập Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân - gia đình và phòng chống bạo lực gia đình nhằm tư vấn cho phụ nữ các vấn đề liên quan đến hôn nhân - gia đình, trực tiếp giải quyết các vụ bạo lực gia đình. Từ khi thành lập đến nay, Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân -  gia đình và phòng chống bạo lực gia đình TP.Biên Hòa xử lý 70 trường hợp có đơn và tư vấn khoảng 140 trường hợp qua điện thoại.

Qua tiếp nhận và xử lý các vụ việc, Trung tá Lê Thị Lợi, Trưởng Công an phường Tân Mai, Tổ trưởng Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân - gia đình và phòng chống bạo lực gia đình TP.Biên Hòa cho rằng, hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về luật pháp liên quan đến hôn nhân - gia đình, phòng chống bạo lực gia đình chưa nhiều. Việc tiếp tục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải là trách nhiệm của riêng các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đáng chú ý, ở chỗ từ Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân - gia đình và phòng chống bạo lực gia đình TP.Biên Hòa cứu vãn được nhiều cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.

Như trường hợp chị T.H. ở phường Tân Mai sau khi phát hiện ra những dấu hiệu ngoại tình của chồng, đã bỏ ra một số tiền lớn để thuê người theo dõi, tìm đến tận nơi đánh ghen. Khi nghe thông báo có sự việc xảy ra trên địa bàn, Trung tá Lê Thị Lợi nhanh chóng đến hiện trường để xử lý vụ việc. Sau khi nghe trình bày rõ ngọn ngành, Trung tá Lợi phân tích để chị H. hiểu được điều mà chị mất vô cùng lớn nếu ly hôn, còn chồng chị H. thấy việc mình làm là sai, gia đình mới là quan trọng nhất nên cả hai đồng ý cho nhau một cơ hội và chấp nhận thay đổi. Với người thứ 3 liên quan trong sự việc vì muốn được yên ổn làm ăn nên chấp nhận trả lại toàn bộ số tiền mà chồng chị H. đã đưa và đồng ý chấm dứt mối quan hệ. 

Bên cạnh các mô hình tư vấn pháp luật về hôn nhân - gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững đã và đang phát huy hiệu quả góp phần nâng cao kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc và nuôi dạy con tốt cho hội viên phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Trang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp 4, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình bắt nguồn từ khó khăn kinh tế. Vì vậy, ngoài các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác gia đình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt, các thành viên tham gia câu lạc bộ còn tự nguyện góp vốn tạo nguồn hỗ trợ cho các thành viên vay. Số tiền từ 5-15 triệu đồng đã giúp nhiều trường hợp giải quyết khó khăn đột xuất trong gia đình. 

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện đã thành lập gần 600 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các địa chỉ tin cậy mỗi năm đã tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm trường hợp phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.

* … Đến các hoạt động tuyên truyền, giám sát

Bên cạnh trách nhiệm tổ chức các mô hình và hoạt động hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực năm 2008 cũng quy định trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ là tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viện hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới, phòng chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

Các thành viên Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp 4, xã Sông Trầu (thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tìm đọc những cuốn sách về gia đình.
Các thành viên Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp 4, xã Sông Trầu (thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tìm đọc những cuốn sách về gia đình.

Vì vậy, theo bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời và có hiệu lực, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh luôn coi công tác tuyên truyền, đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến với hội viên là nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng hội viên thông qua tập huấn, các hội nghị, hội thi và đặc biệt là các buổi sinh hoạt tại các chi, tổ hội, các câu lạc bộ gia đình… Đồng thời, Hội các cấp cũng phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng lưới truyền thanh ở cơ sở.

Để phát huy có hiệu quả vai trò, uy tín của cán bộ Hội lâu năm, giàu nhiệt huyết ở cơ sở trong việc tuyên truyền, tham gia hòa giải các vụ bạo lực gia đình tại các địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp không quên tổ chức cung cấp kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp về phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… Vì vậy, lực lượng cán bộ Hội ở cơ sở những năm qua luôn làm tốt công tác phối hợp giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của phụ nữ, kiến nghị với chính quyền địa phương phương pháp xử lý đối với hàng trăm trường hợp gây ra bạo lực gia đình mỗi năm. Ngoài tham gia giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình, kịp thời thông báo về hành vi bạo lực gia đình cho Hội Liên hiệp phụ nữ ở cơ sở để kịp thời xử lý.

Song song với trách nhiệm tuyên truyền, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình. Vì vậy, trong nội dung giám sát của các cấp Hội luôn có nội dung về hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... Mới đây nhất, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức giám sát 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại một số địa phương trong tỉnh.

Theo bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, qua giám sát cho thấy hầu hết các huyện đều có sự quan tâm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và cần được xã hội tiếp tục quan tâm đẩy lùi.

Trang báo được thực hiện với sự phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch.

Nga Sơn

Tin xem nhiều