Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Thống Nhất từ đầu năm nay có xu hướng ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông làm 15 người chết và 12 người bị thương.
Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Thống Nhất từ đầu năm nay có xu hướng ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông làm 15 người chết và 12 người bị thương.
Khu vực thi công cầu vượt ngã tư Dầu Giây (đoạn qua huyện Thống Nhất) thi công chậm trễ gây mất an toàn giao thông. Trong ảnh: Tai nạn luôn chực chờ với xe 2 bánh khi lưu thông qua nút giao. |
So với cùng kỳ năm 2017, các tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2018 đều gia tăng ở huyện Thống Nhất. Trong đó, có 1 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết, 2 người bị thương.
* Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông ở Thống Nhất chủ yếu là do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, vi phạm phần đường và không giữ khoảng cách an toàn. Đây là những lỗi không hề mới, nhưng người điều khiển phương tiện vẫn mắc phải.
Với các điểm, đoạn đường có khả năng xảy ra ùn tắc ở huyện Thống Nhất, Ban An toàn giao thông huyện Thống Nhất yêu cầu Công an huyện phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường công tác điều tiết giao thông để kịp thời có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra các vụ ùn tắc nghiêm trọng. |
Ngoài ra, tai nạn giao thông tại huyện Thống Nhất tăng cao trong thời gian qua còn xuất phát từ bất cập về hạ tầng giao thông. Ngoài các tuyến đường tỉnh thì trên địa bàn hiện có 2 tuyến quốc lộ đi qua là quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Trong đó, giao thông quốc lộ 1 đoạn qua huyện Thống Nhất được đánh giá phức tạp nhất. Đường hẹp, xe đông nên áp lực giao thông tăng lên. Điều đáng ngại là sự mất an toàn tại làn xe hỗn hợp khi cho ô tô và xe máy cùng lưu thông, tạo nên xung đột giữa các phương tiện. “Lưu thông trên làn đường này vừa chạy vừa lo, xe ô tô vào ra tùy tiện khiến người đi xe 2 bánh không kịp tránh né” - ông Hà Văn Lâm (ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) bức xúc.
So với quốc lộ 1, lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 20 qua huyện Thống Nhất không lớn, tuy nhiên mật độ dân cư dọc theo tuyến đường này rất đông, đặc biệt là tại các xã: Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2. Một số đoạn đường chưa thực sự an toàn với xe 2 bánh. Hệ thống phân làn đường, biển báo hiệu tốc độ còn thiếu và chưa rõ ràng, gây lúng túng cho người đi đường. Tình trạng xe khách, xe tải chở nông sản tuyến TP.Hồ Chí Minh đi Đà Lạt (và ngược lại) thường chạy ẩu gây mất an toàn giao thông.
Theo Ban An toàn giao thông huyện, việc thi công cầu vượt ngã tư Dầu Giây kéo dài và chậm hoàn thành theo kế hoạch cũng khiến giao thông trên địa bàn trở nên phức tạp. Việc thi công đang dở dang trong khi các biển báo, rào chắn cảnh báo sơ sài thực sự gây mất an toàn giao thông ở khu vực này.
* Cần giải pháp đồng bộ
Trước tình hình giao thông diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, Ban An toàn giao thông huyện kiến nghị ngành giao thông vận tải, các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, bổ sung hệ thống biển báo trên các tuyến đường theo quy định của Bộ Giao thông - vận tải.
Địa phương cũng đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công cầu vượt ngã tư Dầu Giây đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hệ thống báo hiệu, chiếu sáng và người hướng dẫn giao thông trong quá trình thi công; tránh để xảy ra các vụ tai nạn giao thông do thi công thiếu an toàn.
Trên tuyến quốc lộ 1, huyện Thống Nhất yêu cầu chủ đầu tư sớm duy tu, sửa chữa hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch kẻ đường, sơn phản quang trên các dải phân cách cứng đoạn từ km1828 đến km1838. Riêng quốc lộ 20, tại những khu vực giao thông phức tạp, khu vực đông dân cư và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, ngành chức năng cần gắn biển báo đi chậm, cấm vượt.
Thượng tá Lê Đình Thôn, Phó trưởng Công an huyện Thống Nhất cho biết thời gian tới sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông tập trung vào 2 nhóm giải pháp trọng tâm là xử lý nghiêm các vi phạm và tuyên truyền pháp luật về giao thông; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng xóa bỏ các “điểm đen”, đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông.
Thanh Hải