Báo Đồng Nai điện tử
En

Cố tình băng qua đường sắt

08:08, 20/08/2018

Tình trạng người tham gia giao thông còn chủ quan, không quan sát hoặc cố tình băng qua đường sắt trong khi tàu hỏa đang đến gần vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Tình trạng người tham gia giao thông còn chủ quan, không quan sát hoặc cố tình băng qua đường sắt trong khi tàu hỏa đang đến gần vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Tàu hỏa vừa qua, rào chắn chưa kéo hết, nhiều người đã phóng xe chạy qua tại nút giao đường Dương Tử Giang (TP.Biên Hòa).
Tàu hỏa vừa qua, rào chắn chưa kéo hết, nhiều người đã phóng xe chạy qua tại nút giao đường Dương Tử Giang (TP.Biên Hòa).

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại một số điểm giao cắt với đường sắt có cảnh báo tự động, không khó để bắt gặp hình ảnh mỗi lúc có đoàn tàu tới gần nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm cố tình vượt đường ngang khi đã có tín hiệu cảnh báo.

* Coi thường tính mạng

Tại nhiều khu vực gác chắn ở TP.Biên Hòa mặc dù nhân viên đường sắt đã thực hiện kéo rào chắn nhưng nhiều người dân vẫn cố tình lách khe hở, thậm chí là kéo tấm chắn để băng qua. Sự liều lĩnh, chủ quan và coi thường pháp luật về giao thông là nguyên nhân của nhiều tai nạn đường sắt đã từng xảy ra.

Hệ thống giao thông đường sắt hiện còn nhiều bất cập, nhiều đường ngang được mở ra nhưng không được kiểm soát nên tai nạn luôn chực chờ. Để tránh xảy ra các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc thì ý thức người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định.

Mới đây, vào khoảng 21 giờ 30, ngày 8-9, một nam thanh niên điều khiển xe máy lưu thông trên đường Võ Thị Sáu. Khi đến gác chắn đường ngang tại km 1697+910 (đoạn qua phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thì bất ngờ lao xe máy tông sập rào chắn đang được kéo ra. Vụ việc khiến nhân viên trực gác đường sắt ngã xuống đất và bị dãy rào chắn đè lên người.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra sự việc này, mà trước đó vào tối 18-2, cũng tại vị trí nói trên, một người điều khiển xe máy với tốc độ cao đã đâm trực diện vào rào chắn khiến nhiều người hoảng hốt. Ngay sau đó, nhân viên đường sắt và người dân gần đó phải khẩn trương dọn dẹp hiện trường, nhằm đảm bảo cho đoàn tàu đi qua được an toàn.

“Chuyện người chạy xe máy vượt rào chắn ngày nào cũng xảy ra. Mỗi lần chúng tôi nhắc nhở, có người chống đối, cự cãi, có người phóng xe ào ào cắt ngang đầu những phương tiện khác. Không ít người thấy xe khác vượt được, cũng chạy theo, thực sự rất nguy hiểm” - ông Vũ Văn Quyền (nhân viên gác chắn ở điểm giao cắt giữa đường Điểu Xiển với đường sắt (thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, các vụ tai nạn chủ yếu liên quan đến đường ngang dân sinh và những điểm giao cắt khuất tầm nhìn giữa đường bộ và đường sắt. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc hệ thống đường ngang giao cắt với đường sắt tồn tại nhiều bất cập; còn người tham gia giao thông chủ quan, không quan sát hoặc cố tình băng qua đường ngang trong khi tàu hỏa đang đến gần.

* Tăng cường công tác tuyên truyền

Ngày 14-8, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có văn bản gửi Tổng công ty đường sắt Việt Nam và các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm quy định pháp luật, phá hoại tài sản gây hư hỏng tài sản của ngành đường sắt, uy hiếp an toàn giao thông…

Người dân vẫn vô tư leo rào chắn băng qua đường sắt đoạn qua xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.
Người dân vẫn vô tư leo rào chắn băng qua đường sắt đoạn qua xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.

Tại Đồng Nai, trên địa bàn có 71 điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ, trong đó có 57 đường ngang hợp pháp và 14 lối đi tự mở. Để hạn chế các vụ tai nạn giao xảy ra, từ đầu năm các ngành chức năng đã tiến hành lắp đặt 11,9 km hàng rào tôn sóng, giải phóng mặt bằng và làm hơn 5,75km lối đi tạm trong hành lang đường sắt.

Đến nay, trong 66 lối đi dân sinh tiếp tục tổ chức người cảnh giới tại 11 vị trí, duy trì bảo vệ 52 vị trí đã rào xóa bỏ, 3 vị trí rào thu hẹp. Đồng thời, ngành giao thông đã lắp đặt gờ giảm tốc tại 24 đường ngang, lắp đèn cảnh báo ở những vị trí cảnh giới nhằm tăng tính an toàn và khả năng quan sát của người tham gia giao thông.

Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi đánh giá nguy cơ tai nạn giao thông giữa các phương tiện giao thông đường bộ với đường sắt hiện nay rất cao. Dân số đông lên và nhiều đường ngang dân sinh được mở ra một cách bừa bãi cũng là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông đường sắt cao hơn.

Do vậy, theo ông Vũ Quang Khôi, ngành đường sắt và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc lập hàng rào, làm đường gom dân sinh. Việc tuyên truyền và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông cũng đóng vai trò quan trọng nhằm tránh những vụ tai nạn giao thông xảy ra.

“Người dân vẫn giữ thói quen tham gia giao thông yếu kém, chưa nhận thức được những thiệt hại khi cố tình gây ra những nguy hiểm, xung đột với tàu hỏa khi băng qua đường ngang. Vì vậy cần phải tuyên truyền để người dân tuân thủ pháp luật về giao thông đường sắt lúc đó mới hy vọng kéo giảm được các vụ tai nạn đau lòng” - ông Khôi khẳng định.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích