Báo Đồng Nai điện tử
En

20 năm đồng hành cùng các đối tượng yếu thế

08:07, 03/07/2018

Được thành lập từ năm 1998, đến nay Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các chi nhánh trực thuộc đã trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho hàng chục ngàn đối tượng yếu thế trong xã hội...

Được thành lập từ năm 1998, đến nay Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) và các chi nhánh trực thuộc đã trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho hàng chục ngàn đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật...).

Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn (người đứng) tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người mù, khiếm thị, khuyết tật xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Đ.Phú
Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn (người đứng) tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người mù, khiếm thị, khuyết tật xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Đ.Phú

Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho biết hoạt động trợ giúp pháp lý ngoài cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật còn góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

* Hỗ trợ hết mình

Qua 20 năm hình thành và phát triển, đến nay Đồng Nai đã có một đội ngũ trợ giúp viên pháp lý hùng hậu. Ngoài trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các chi nhánh còn có các luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ này đều được đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, phẩm chất và tinh thần phục vụ cộng đồng. Bằng sự tận tâm, nhiệt tình với công việc, thời gian qua đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của tỉnh đã giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nhiều đối tượng yếu thế trong các vụ việc tranh chấp, khiếu nại.

Được thành lập từ năm 1998, đến nay Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) và các chi nhánh trực thuộc đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho hơn 20 ngàn vụ việc với gần 21 ngàn lượt người. Trong đó, đơn vị đã thực hiện trợ giúp pháp lý theo luật cho: hơn 6,4 ngàn người nghèo, hơn 3,4 người có công với cách mạng, hơn 2,1 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số, 349 người khuyết tật,156 trẻ em... Bên cạnh đó, mỗi năm trung tâm còn trợ giúp pháp lý qua hình thức tư vấn pháp luật cho trên 2 ngàn lượt người và phổ biến pháp luật cho trên 7 ngàn lượt người.

Dù sự việc đã xảy ra cách đây 6 năm nhưng các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh vẫn còn nhớ câu chuyện của anh em ông T.V.T. (người khuyết tật, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành). Ông T. khởi kiện anh trai là ông T.V.L. đánh mình gây thương tích ở mặt (tỷ lệ 11% tạm thời).

Nguyên nhân mâu thuẫn là do ông T. chung sống với người vợ lớn hơn ông 20 tuổi (không giấy đăng ký kết hôn). Sợ em trai bị lợi dụng nên ông L. thường xuyên tỏ thái độ ngăn cản nhưng không khéo đã sinh ra anh em bất hòa. Ngày 9-9-2012, vì bực tức em trai, ông L. cầm dao chém vào cánh cửa nhà ông T. và cánh cửa bị vỡ kiếng văng trúng vào mặt ông T. đang ngồi xe lăn gây thương tích ở mặt.

Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết, đây là một trường hợp tư vấn pháp lý khó. Về lý thì rõ ràng người anh gây thương tích cho người em là sai nhưng về tình thì cũng vì anh quá lo lắng cho em. Trợ giúp viên đã cố gắng vận động 2 bên hòa giải nhưng không thành. 

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4-2-2015, trợ giúp viên Lê Minh Tuấn tiếp tục phân tích và thuyết phục, cuối cùng 2 anh em ông T. đã hiểu ra sự việc và ôm nhau khóc tại tòa. Đến lúc này, ông T. mới đề nghị tòa miễn trách nhiễm hình sự cho anh trai mình, tuy nhiên ông L. vẫn bị tòa tuyên phạt 1 năm tù (cho hưởng án treo) vì tội cố ý gây thương tích. “Kết quả lớn nhất của vụ việc không phải là việc bảo vệ thành công quyền lợi của ông T. mà còn giúp cho anh em họ hiểu nhau, bớt thù hằn, hiềm khích” - trợ giúp viên Lê Minh Tuấn chia sẻ.

Một trường hợp khác là ông Hoàng Hữu Thắng (thuộc hộ nghèo, ngụ KP.8, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) bị hàng xóm kiện ra tòa vì tranh chấp lối đi chung cũng thắng kiện nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, chi nhánh huyện Vĩnh Cửu.

Mạnh dạn kiến nghị

Trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, chi nhánh huyện Định Quán, cho rằng vai trò của trợ giúp viên pháp lý không chỉ dừng lại ở việc tư vấn pháp luật, bào chữa tại tòa mà còn phải mạnh dạn kiến nghị cơ quan tố tụng, tổ chức đoàn thể xã hội có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về những vụ việc thường xuyên vi phạm do thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật chưa thấu đáo. Đồng thời, thông qua các vụ việc cụ thể, xảy ra phổ biến tại từng địa bàn, liên quan đến nhóm đối tượng... việc kiến nghị của trợ giúp viên sẽ giúp cho các cơ quan tố tụng, quản lý nhà nước, đoàn thể xã hội kịp thời điều chỉnh chính sách, có cái nhìn thấu đáo khi đưa ra quan điểm, đường lối, chính sách hợp lý, thấu đáo và đậm chất nhân văn.

Ông Thắng xúc động cho biết: “Bao năm chung sống hòa thuận, bỗng dưng bị hàng xóm tranh chấp lối đi. Suốt ngày tôi lo làm thuê, làm mướn, có biết gì về pháp luật nên khi bị kiện tôi rất hoang mang, lo lắng. Nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn, bào chữa miễn phí tại tòa mà tôi được bảo vệ quyền lợi chính đáng khi giành lại được lối đi của gia đình mình”.

* 20 năm phục vụ cộng đồng

Ông Lê Quang Vinh cho biết, 20 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Sở Tư pháp, trung tâm thường xuyên phối hợp tốt với các đơn vị liên quan và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể của tỉnh duy trì hoạt động truyền thông, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật từ cấp tỉnh đến  cơ sở.

Đội ngũ trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cũng lặn lội về các khu nhà trọ công nhân ở xã: Tam Phước, Hóa An (TP.Biên Hòa); xã Xuân Thạnh, Hưng Lộc (huyện Thống Nhất); xã Tà Lài (huyện Tân Phú); xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) để tuyên truyền và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số, người bị lây nhiễm HIV...

Mỗi khi hay tin đoàn công tác của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đến, người dân thuộc đối tượng yếu thế và cả không thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý có nhu cầu gỡ rối pháp lý cũng tìm đến rất đông. Tuy vậy, các trợ giúp viên vẫn kiên nhẫn, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng người khi họ yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Minh, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, chi nhánh huyện Vĩnh Cửu, cho hay để kịp thời giải thích, hướng dẫn cho người dân, trợ giúp viên pháp lý phải tìm hiểu, cơ bản nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực để tư vấn, hướng dẫn cho dân. Chỉ khi nào gặp vấn đề phức tạp, cần thời gian nghiên cứu kỹ, trợ giúp viên mới hẹn lại người có nhu cầu tại nơi công tác để cùng nhau tháo gỡ.

Quả thực, các trợ giúp viên pháp lý của những tổ chức trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các đối tượng yếu thế, góp phần giảm thiểu các tranh chấp pháp luật xảy ra trong cuộc sống, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện đông người...

Sẽ chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết trợ giúp pháp lý là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, xét về bản chất, hoạt động trợ giúp pháp lý là chức năng xã hội của Nhà nước pháp quyền, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý vừa là hình thức vừa là nội dung thể hiện mối quan hệ hữu cơ, bình đẳng giữa Nhà nước và công dân.

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý; quản lý, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; quy định cụ thể tiêu chuẩn tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật.

Chú trọng trau dồi kỹ năng tranh luận

Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cho rằng để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của các đối tượng yếu thế, trợ giúp viên ngoài nhiệt tình, trách nhiệm vẫn chưa đủ. mà còn phải có kỹ năng tranh tụng, hùng biện sắc sảo, linh hoạt và bản lĩnh trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đối tượng yếu thế trong mọi tình huống, hoàn cảnh, diễn biến phiên tòa. Muốn vậy, trợ giúp viên phải không ngừng trau dồi kỹ năng tranh luận, nghiệp vụ, tạo dựng hình ảnh, niềm tin của mình với người dân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều