Báo Đồng Nai điện tử
En

Coi chừng sập "bẫy" kẻ buôn người

08:07, 30/07/2018

Đồng Nai không phải là tỉnh biên giới nhưng vẫn là địa bàn hoạt động "lý tưởng" của các loại tội phạm buôn bán người. Thủ đoạn của bọn tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, hoạt động có tổ chức chặt chẽ nên lừa được những phụ nữ "nhẹ dạ cả tin"...

Đồng Nai không phải là tỉnh biên giới nhưng vẫn là địa bàn hoạt động “lý tưởng” của các loại tội phạm buôn bán người. Thủ đoạn của bọn tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, hoạt động có tổ chức chặt chẽ nên lừa được những phụ nữ “nhẹ dạ cả tin”...

2 đối tượng mua bán người Ngô Thị Đài  và Trần Thị Kim Loan vừa bị cơ quan công an bắt giữ.
2 đối tượng mua bán người Ngô Thị Đài và Trần Thị Kim Loan vừa bị cơ quan công an bắt giữ.

Vào ngày 26-7, Công an tỉnh bàn giao cho Công an TP.Biên Hòa 2 đối tượng: Ngô Thị Đài (tên thường gọi Trang, 45 tuổi) và Trần Thị Kim Loan (36 tuổi), cả 2 cùng ngụ TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận để điều tra theo thẩm quyền về hành vi mua bán người.

* “Bẫy” xuất khẩu lao động

Theo điều tra ban đầu, vào cuối năm 2016 biết bà M.L. (45 tuổi, ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) đang cần tiền nên Đài tiếp cận làm quen và hứa hẹn giúp bà L. sang nước ngoài làm việc với thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng. Tin lời Đài, bà L. chấp nhận qua Trung Quốc làm thuê.

Ngờ đâu khi mới qua khỏi cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) thì bà L. bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc với giá hơn 200 triệu đồng. Sau đó, bà L. bị thu hết các loại giấy tờ tùy thân và làm nô lệ tình dục cho tất cả đàn ông trong gia đình của người đàn ông Trung Quốc này. Sau hơn 1 năm bị ép phục tùng, bà L. được cho sử dụng điện thoại và lập tức gọi điện về cho chồng con đang sinh sống tại Biên Hòa để cầu cứu.

Nhận được thông tin, Công an tỉnh phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế giải cứu thành công đưa bà L. trở về nhà, đồng thời tiến hành bắt giữ, khởi tố đối với Đài. Đối tượng này khai nhận đã cùng Loan lừa bán bà L. cho 1 người đàn ông Trung Quốc và được chia hoa hồng 20 triệu đồng (Đài được 8 triệu đồng, Loan được 12 triệu đồng). Vào ngày 16-7, khi phát hiện Loan từ Trung Quốc về Việt Nam thăm gia đình tại tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh đã mời Loan đến làm việc, sau đó tạm giữ về hành vi mua bán người.

Một trường hợp khác là T.M. (ngụ TX.Long Khánh) cũng trở thành nạn nhân trong một vụ buôn bán người vừa được Công an tỉnh giải cứu vào đầu tháng 5-2018. Gặp một người phụ nữ tự xưng tên Mai rủ qua Trung Quốc xin việc làm với mức lương cao, M. đồng ý. Tuy nhiên vừa qua cửa khẩu, M. đã bị 2 thanh niên đưa vào động mại dâm tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) phục vụ khách làng chơi. Không lâu sau, M. tìm cách gọi điện về nhà cầu cứu.

* Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo Trung tá Nguyễn Duy Tú, Phó đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh tệ nạn xã hội và mua bán phụ nữ, trẻ em, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh, sở dĩ Đồng Nai được xem là điểm đến “lý tưởng” của các loại tội phạm buôn bán người vì trên địa bàn tỉnh có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, kiến thức hạn chế cộng thêm kinh tế khó khăn nên dễ bị lợi dụng, dụ dỗ và trở thành nạn nhân trong các vụ buôn bán người.

Hiện nay, nhiều người đã cảnh giác hơn với lời dụ dỗ xuất ngoại để kết hôn với người nước ngoài nên bọn buôn người hoạt động tinh vi hơn với “chiêu bài” xuất khẩu lao động, làm việc nhẹ, lương cao để dụ dỗ phụ nữ. Đặc biệt, đối tượng phạm tội đa phần từng là nạn nhân trong các vụ mua bán người. Sau thời gian bị bán thì những bị hại này lại có mối quan hệ thân thiết với chủ chứa hoặc nhóm mua người tại nước ngoài nên khi về nước họ lại đi dụ dỗ các phụ nữ khác đem bán ra nước ngoài để kiếm tiền.

Theo Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng PC45 Công an tỉnh thì dù tích cực phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước nhưng việc giải cứu các nạn nhân thường kéo dài và khó khăn. Nạn nhân bị quản lý chặt chẽ, ít được liên lạc với bên ngoài nên không xác định được địa điểm cụ thể nơi đang bị giữ khiến công an rất khó khăn khi xác minh thông tin. Việc xác minh thông tin chủ yếu thông qua gia đình của nạn nhân nên tính xác thực không cao; đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài và chúng điều hành, liên lạc qua điện thoại nên khó bắt giữ.

Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế nhằm giải cứu nạn nhân và sớm điều tra truy bắt những “chân rết” của bọn buôn người hoạt động trong tỉnh, trong nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền thủ đoạn của tội phạm nhằm giúp người dân tự cảnh giác, phòng ngừa và tố cáo với cơ quan công an khi gặp các đối tượng có biểu hiện nghi vấn của tội phạm buôn người.

Tố Tâm

Tin xem nhiều