Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý tội cố ý gây thương tích: Còn khó khăn, bất cập

08:06, 12/06/2018

Trong những năm gần đây, tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn diễn biến khá phức tạp. Nhất là vào những ngày lễ, tết, số ca đả thương, cố ý gây thương tích thường tăng cao. Trong khi đó, việc xử lý đối với án cố ý gây thương tích còn không ít khó khăn, bất cập.

Trong những năm gần đây, tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn diễn biến khá phức tạp. Nhất là vào những ngày lễ, tết, số ca đả thương, cố ý gây thương tích thường tăng cao. Trong khi đó, việc xử lý đối với án cố ý gây thương tích còn không ít khó khăn, bất cập.

Hiện trường một vụ chém nhau xảy ra tại huyện Xuân Lộc được camera an ninh ghi lại.
Hiện trường một vụ chém nhau xảy ra tại huyện Xuân Lộc được camera an ninh ghi lại.

Nhiều vụ cố ý gây thương tích xuất phát từ những mâu thuẫn không đáng có trong sinh hoạt hoặc do say rượu, bia gây ra những hậu quả rất nặng nề.

* “Nói chuyện” bằng bạo lực

Mới đây, vào ngày 27-4, khi Phan Văn Thận (33 tuổi) và Nguyễn Thanh Tâm (29 tuổi), cả 2 đều ngụ xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, đang ngồi nhậu cùng nhau tại nhà thì xảy ra tranh cãi dẫn đến đánh nhau. Trong lúc xô xát, Thận dùng khúc gỗ đánh vào đầu Tâm gây chấn thương sọ não. Công an huyện Tân Phú đã bắt giữ Thận ngay sau đó.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tình trạng kéo nhóm đông đi đánh người để giải quyết mâu thuẫn. Đơn cử như vụ án xảy ra vào ngày 1-6, một nhóm thanh niên (chưa rõ lai lịch) đã xông vào chém anh Phan Doãn Hiếu (24 tuổi, ngụ Yên Thành, Nghệ An) khi anh đến phòng trọ của chị M.T. (16 tuổi, ngụ thị trấn Gia Ray) chơi. Anh Hiếu tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Công an huyện Xuân Lộc vẫn đang tiến hành truy bắt các đối tượng có hành vi côn đồ nói trên.

Bên cạnh những vụ cố ý gây thương tích nặng, đủ cơ sở để xử lý theo quy định pháp luật thì vẫn còn những vụ việc cơ quan chức năng đành “lực bất tòng tâm” vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cái chính là do nạn nhân không chịu giám định thương tích để có cơ sở xử lý vụ án hoặc 2 bên tự thỏa thuận.

Cụ thể, vào ngày 12-1, Nguyễn Trung Thuận (32 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đang đi trên đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng) thì nhìn thấy một nhóm thanh niên đang cãi nhau với Khôi (chưa rõ lai lịch). Thuận quen biết Khôi nên dừng lại bênh vực và bị nhóm thanh niên đâm gây thương tích vùng bụng, trán. Tuy nhiên, sau 2 tháng công an làm việc thì Thuận vẫn không chịu giám định thương tật để có cơ sở xác định thương tích xử lý vụ án.

Tương tự, vào ngày 17-2, do ghen tuông nên Chế Hoàng Tân (35 tuổi, ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) đã dùng dao đâm vợ là chị T.H. (ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Nhận được đơn trình báo, Công an huyện vào cuộc điều tra thì chị H. không đồng ý giám định thương tật nên vụ án trở nên khó xử lý.

* Còn khó khăn, bất cập

Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Vĩnh Cửu, cho rằng các vụ án cố ý gây thương tích chủ yếu xuất phát mâu thuẫn, đánh nhau là do rượu bia, sinh hoạt đời thường. Khi mâu thuẫn trong cuộc sống không được giải quyết triệt để từ gia đình, các cấp cơ sở dẫn đến mâu thuẫn lớn dần dẫn đến sử dụng bạo lực.

Ở địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Trung tá Đức cho rằng dân nhập cư nhiều, tạo nên lối sống khác nhau dễ phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt đời thường. Hơn nữa, một số người sinh sống, xin việc sử dụng hồ sơ giả nên khi sự việc xảy ra, bị hại hoặc các đối tượng thường bỏ về quê nên rất khó để xác minh thông tin, xử lý vụ án.

“Đối với một số vụ đánh nhau, trong thời gian xử lý vụ việc không áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người phạm tội nên sau khi có kết quả giám định thương tật thì đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Hiện việc dẫn giải người bị hại đi giám định chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan chức năng còn lúng túng” - Trung tá Đức cho biết thêm.

Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa, cũng cho biết hiện nay tình trạng các nhóm thanh niên ở nơi khác đến đánh chém người rồi tẩu thoát, gây khó khăn trong việc xác minh đối tượng. Hơn nữa, một số bị hại sau khi bị đánh đã gửi đơn yêu cầu xử lý, nhưng sau quá trình thương lượng giữa 2 bên thành công lại xin rút đơn hoặc không chịu đi giám định tỷ lệ thương tật nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Gió, Phó giám đốc Trung tâm giám định pháp y Đồng Nai, cũng thừa nhận là có rất nhiều vụ cố ý gây thương tích không xử lý được do 2 bên thỏa thuận thành và không tiếp tục giám định thương tích. Nếu như pháp luật bổ sung thêm quy định được giám định tổn thương cơ thể thông qua hồ sơ bệnh án đối với những bị hại có đơn từ chối giám định thương tật thì việc giải quyết các vụ án sẽ dễ dàng hơn và mang tính răn đe, ngăn chặn tình trạng tự thỏa thuận với nhau.

Tố Tâm

Tin xem nhiều