Trong thời gian qua, lực lượng công an và kiểm lâm ở huyện Vĩnh Cửu phát hiện nhiều vụ vi phạm bắt giữ trái phép động vật hoang dã. Mặc dù các ngành chức năng của huyện đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn còn tái diễn...
Trong thời gian qua, lực lượng công an và kiểm lâm ở huyện Vĩnh Cửu phát hiện nhiều vụ vi phạm bắt giữ trái phép động vật hoang dã. Mặc dù các ngành chức năng của huyện đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn còn tái diễn...
Voi ngà lệch - động vật hoang dã sinh sống tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cần được bảo tồn. Ảnh: Tố Tâm |
Mới nhất là vào ngày 22-5, lực lượng Công an huyện phát hiện một số lượng lớn thú rừng nhốt trong căn nhà do các đối tượng thuê của ông Hoàng Văn Trị (ở thị trấn Vĩnh An) để mua bán, trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm. Tuy nhiên, các đối tượng phạm tội đã bỏ trốn.
* Săn bắt động vật rừng
Qua khám xét tại căn nhà các đối tượng thuê, lực lượng công an phát hiện 15 cá thể cheo cheo, 27 cá thể kỳ đà vân, 1 cá thể cầy hương và 1 con cu li. Cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản, niêm phong các cá thể động vật để xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu đã khởi tố vụ án, đang tiến hành truy bắt các đối tượng liên quan đến hành vi bắt giữ số động vật hoang dã nói trên.
Nói không với động vật hoang dã Theo Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Vĩnh Cửu, điều quan trọng nhất đối với việc bảo vệ rừng chính là ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân chưa cao. Khi còn người tiêu thụ động vật hoang dã thì vẫn còn nạn săn bắt thú rừng để cung cấp cho người có nhu cầu. Do đó, mỗi người dân cần phải nói không với các loại động vật hoang dã để cùng chung tay bảo vệ rừng và động vật rừng. |
Đầu năm 2018, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bắt giữ Đào Bích Sơn (38 tuổi, ngụ phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) khi đối tượng đang vận chuyển 1 cá thể voọc chà vá nặng gần 6kg đem đi bán. Đây là loại động vật quý hiếm nằm trong diện phải bảo tồn.
Không chỉ tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, nhiều đối tượng còn trang bị súng để vào rừng săn bắn thú. Đơn cử như vụ việc xảy ra vào giữa tháng 12-2017, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phối hợp cùng Công an xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) phát hiện Lê Văn Tâm (36 tuổi); Lê Minh Tiến (28 tuổi), cả 2 cùng ngụ xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), săn bắt 3 cá thể cheo cheo.
2 đối tượng trên khai nhận vào ngày 18-12-2017, Tâm rủ Tiến vào rừng săn bắt thú. Tâm lấy khẩu súng săn và 24 viên đạn đã cất giấu trước đó vào rừng đi săn nhưng không bắn được con nào. Đến sáng hôm sau, cả 2 kiểm tra các bẫy đã đặt trước đó, phát hiện 3 con cheo cheo mắc bẫy nên bắt về thì bị phát hiện.
* Nâng cao ý thức bảo vệ động vật
Theo thông tin từ Công an huyện Vĩnh Cửu, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 6 vụ với 6 đối tượng có hành vi bắt giữ trái phép động vật hoang dã. Đa số vi phạm trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng tại huyện Vĩnh Cửu chủ yếu là: săn bắt, bẫy, vận chuyển mua bán, cất giữ, nuôi nhốt trái phép động vật rừng hoặc sản phẩm từ động vật rừng. Điều đáng nói hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã ngày càng tinh vi, táo bạo.
Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Vĩnh Cửu, cho biết để giảm thiểu tình trạng này cuối tháng 5-2018, Công an huyện đã kiện toàn lại tổ truy quét bảo vệ rừng bao gồm lực lượng công an, kiểm lâm và chính quyền địa phương, xây dựng, thực hiện nhiều kế hoạch trinh sát, kiểm tra rừng và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã.
Tuy nhiên, hiện nay nạn săn bắt thú rừng còn xảy ra nhiều là do lợi nhuận kinh tế cao, nhu cầu sử dụng đặc sản lớn nên người dân đổ xô đi săn bắt, mua bán thú rừng; một bộ phận người dân sinh sống trong vùng lõi của rừng không có việc làm ổn định, có điều kiện để săn bắt thú rừng thuận lợi. Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh được phép nuôi động vật hoang dã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng để hợp thức hóa các động vật hoang dã mua trái phép của các đối tượng săn bắn.
Về lâu về dài để hạn chế tình trạng này, theo Trung tá Nguyễn Anh Đức, chính quyền cần quan tâm tạo công ăn việc làm cho những người dân sinh sống trong vùng lõi hoặc xung quanh rừng. Khi người dân có thu nhập ổn định, họ sẽ không phải mưu sinh bằng nghề săn bắt trái pháp luật. Cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý các vi phạm về khai thác rừng nhằm mang tính răn đe và giáo dục cao.
Tố Tâm