Với quyết tâm kéo giảm số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm, các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Với quyết tâm kéo giảm số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm, các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên quốc lộ 20 đoạn qua huyện Định Quán. Ảnh: T.HẢI |
Tại huyện Trảng Bom, qua 1 năm thực hiện Quyết định số
759-QĐ/TU trong quy định trách nhiệm của người đứng đầu về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngày 10-4-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gọi tắt là Quyết định 759) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tai nạn giao thông kéo giảm cả 3 tiêu chí dù Đồng Nai là địa bàn phức tạp, cửa ngõ đi TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ.
* Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu
Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà cho rằng địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Quan trọng hơn là gắn trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người đứng đầu tại các xã, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng tăng tai nạn giao thông.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định nơi nào làm mạnh, quyết liệt thì sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực; những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về an toàn giao thông cũng như trong thanh tra, tuần tra và kiểm soát. |
“Lâu nay, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông qua xã Hố Nai 3 rất lộn xộn và phức tạp. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo chủ tịch UBND xã phải phối hợp với các ban, ngành xử lý rốt ráo vấn đề trên. Đến nay, huyện Trảng Bom là một trong những địa phương của tỉnh làm tốt và có hiệu quả trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt” - ông Hà nói.
Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 Bùi Ngọc Thao cho biết trong quá trình tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các hộ dân lấn chiếm hành lang đường sắt, ông liên tục nhận được tin nhắn đe dọa. Tuy nhiên, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục và vận động, người dân cũng đã nhận thức được việc lấn chiếm hành lang đường sắt là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông nên ai nấy đã chấp hành dù bước đầu còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, qua 1 năm thực hiện Quyết định 759 tại TP.Biên Hòa, trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp khi để xảy ra 159 vụ tai nạn khiến 90 người chết và 106 người bị thương. Trong đó, số vụ tai nạn giao thông vẫn còn tăng cao và số người bị thương tăng hơn 71% so với năm trước đó.
Qua đánh giá, trên địa bàn thành phố còn tồn tại các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường bộ, đường sắt trái phép diễn ra tràn lan…
Để dẫn tới các tồn tại nêu trên, ngoài những hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ… thì vẫn còn tình trạng ý thức của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, việc bố trí lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại một số tuyến đường còn chưa hiệu quả.
* Cán bộ, đảng viên phải làm gương
Tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông 3 tháng đầu năm 2018, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo.
Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa). |
Vừa qua, tại buổi giám sát 1 năm thực hiện Quyết định 759 ở một số địa phương, cơ quan chức năng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Thanh Tính yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, từ đó góp phần hạn chế, kéo giảm tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có trách nhiệm kiểm tra sát sao tình hình thực tế. Đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nếu để xảy ra vi phạm về giao thông cần thông báo kịp thời về nơi công tác để xử lý theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra phòng ngừa sai phạm, tiêu cực đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ phải luôn được quan tâm.
Thanh Hải