Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo giao thông đường thủy mùa mưa lũ

08:05, 28/05/2018

Vào mùa mưa lũ, điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến dòng chảy khiến giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn trên sông...

Vào mùa mưa lũ, điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến dòng chảy khiến giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn trên sông khiến nỗi lo về an toàn giao thông đường thủy ngày càng lớn.

Người dân đi phà tại bến đò Trạm (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI
Người dân đi phà tại bến đò Trạm (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI

Thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy tuyến sông Đồng Nai có tới 7 bãi đá ngầm, có những bãi đá dài đến 800m. Đó là các bãi đá ngầm: Ba Sang, cầu Ghềnh, Bửu Hòa (TP.Biên Hòa), Ông Nghê (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương), Bà Đằng, Tân Định (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) và bãi đá ngầm Hiếu Liêm (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu).

* Những nguy hiểm trên sông

Tất cả những bãi đá ngầm tại các vị trí trên có mức độ ảnh hưởng cách mép luồng tàu chạy từ 15-80m. Những bãi đá này không chỉ gây cản trở lớn đến hoạt động vận tải mà còn gây mất an toàn giao thông. Bởi với khoảng cách trên, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người điều khiển phương tiện thiếu quan sát.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các chủ bến, lái phà chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa trong việc vận chuyển hành khách nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Vào thời điểm nước xuống thấp tàu bè, sà lan… qua khu vực cầu Ghềnh đều gặp khó khăn. Các phương tiện có trọng tải lớn buộc phải neo dọc 2 bên bờ sông phía cầu Hóa An chờ nước dâng lên cao mới có thể lưu thông được.

“Hầu như mỗi lần di chuyển về phía hạ lưu gặp thời điểm nước cạn, tôi phải neo tàu lại chờ cả mấy tiếng hồ. Nhiều lái tàu chủ quan hoặc chưa có kinh nghiệm mà “vượt cạn” thì kiểu gì cũng gặp nạn. Nếu va vào đá ngầm nhẹ thì hư hỏng phương tiện, nặng thì hậu quả khó lường” - ông Huỳnh Văn Bảy (quê tỉnh Vĩnh Long, tài công điều khiển sà lan chở vật liệu xây dựng) bộc bạch.

Ngoài những rủi ro từ các lớp đá ngầm dưới lòng sông, những ai làm nghề chở hàng hóa trên sông nước đều nơm nớp lo sợ thiên tai ập đến bất cứ lúc nào. Vào mùa mưa, dòng sông trở nên hung hãn hơn, các vị trí xoáy nước lúc ẩn lúc hiện đe dọa đến sự an nguy của các phương tiện thủy. Nếu không may đi vào vùng nước xoáy, thiệt hại rất nặng nề.

Mới đây, vào khoảng 2 giờ ngày 18-5 trên tuyến sông Đồng Nai đoạn thuộc TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã xảy ra vụ chìm sà lan khiến 3 người chết. Qua điều tra của cơ quan chức năng, thời điểm trên sà lan chở cát có tải trọng 1.200 tấn được tàu đẩy với tốc lực lớn ngược dòng nước để cua vào cảng cát. Tuy nhiên, do lúc này nước sông chảy rất mạnh, khi sà lan quay ngang, dòng nước chảy xiết đã khiến sà lan bị lật úp, đè lên tàu chìm xuống sông.

Trước đó, vào lúc 16 giờ 20 ngày 15-4, tàu hàng mang số hiệu Royal 09 đang neo vào hạ lưu Cảng Đồng Nai (thuộc phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thì bị hỏng máy, neo tàu bị đứt, trôi tự do khoảng 100m theo hướng về thượng nguồn rồi đâm vào thành cầu Đồng Nai.

Ngoài yếu tố liên quan đến kỹ thuật thì nguyên nhân khiến tàu hàng gặp sự cố trên một phần do nước sông dâng cao gặp lúc gió to đẩy tàu đi xa, không kiểm soát được. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, độ an toàn của cầu Đồng Nai vẫn được đảm bảo.

* Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên các tuyến đường thủy nội địa, pháp luật quy định phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; người đi đò, phà phải mặc áo phao. Thế nhưng, trong mùa mưa bão này, tình trạng phương tiện chở quá vạch an toàn, người đi đò, phà không mặc áo phao vẫn còn xảy ra.

Tại một số bến phà ở huyện Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa như: Xóm Lá, Lợi Hòa, Bình Thới, Kho, Trạm… vẫn còn phổ biến tình trạng khách đi phà, đò không chủ động mặc áo phao, dùng dụng cụ nổi… có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu xảy ra tai nạn.

Ông Đỗ Quốc Bảo, chủ bến đò Trạm (thuộc phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Dương, chia sẻ: “Mỗi lần phà rời bến, tôi thường khuyên người đi phà chủ động trong việc sử dụng áo phao, dụng cụ nổi. Tuy nhiên, một số người vẫn còn e ngại, chưa mấy mặn mà”.

Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay qua kiểm tra hơn 900 lượt phương tiện (chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, bến phà khách), lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính 55 trường hợp vi phạm.

Trong đó, phương tiện chở hàng hóa vượt quá vạch mớn nước an toàn chiếm chủ yếu, còn lại là các lỗi neo đậu không đảm bảo, hành khách không mặc áo phao, chở quá tải trọng cho phép…

Ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh thanh tra giao thông, nhấn mạnh ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy đến các chủ phương tiện, thanh tra giao thông vẫn sẽ duy trì chốt trực 24/24 giờ tại khu vực giáp 2 xã Tân Hạnh và Hóa An (TP.Biên Hòa).

“Với những tuyến sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, dòng chảy phức tạp, nguy hiểm lực lượng chức năng sẽ có thông báo kịp thời cho các phương tiện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các điều kiện về điều khiển phương tiện của các chủ tàu bè như: chứng chỉ chuyên môn, an toàn kỹ thuật…” - ông Trong khẳng định.

Thanh Hải

Tin xem nhiều