Sau cách mạng tháng 8-1945, để thống nhất lãnh đạo các lực lượng vũ trang tiến hành kháng chiến trong tỉnh, ngày 15-5-1946, Tỉnh ủy Biên Hòa đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Vệ Quốc đoàn Biên Hòa. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai.
Sau cách mạng tháng 8-1945, để thống nhất lãnh đạo các lực lượng vũ trang tiến hành kháng chiến trong tỉnh, ngày 15-5-1946, Tỉnh ủy Biên Hòa đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Vệ Quốc đoàn Biên Hòa. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai.
Lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong ảnh: Đồng chí Võ Văn Thưởng (thứ hai từ trái qua), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tham gia lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa vào ngày 11-7-2017. |
72 năm qua lực lượng vũ trang tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc trước bọn thực dân, đế quốc và công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Trang sử vàng
Trong ngày đầu non trẻ, trước kẻ địch vượt trội hơn về vũ khí, trang bị, lực lượng vũ trang tỉnh đã có những trận đánh phối hợp nhiều đơn vị, nhiều mũi tiến công gây cho địch bất ngờ và thiệt hại đáng kể. Có thể kể đến như trận đánh giao thông La Ngà (1-3-1948) thiêu hủy gần 60 xe quân sự, bắt sống 200 tù binh, tiêu diệt 150 lính lê dương, 25 sĩ quan Pháp, thu nhiều vũ khí.
Tại lễ ra quân huấn luyện năm 2018, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu đơn vị vững mạnh toàn diện; nhiều tập thể thuộc lực lượng vũ trang tỉnh được Quân khu 7 tặng danh hiệu đơn vị vững mạnh toàn diện; 5 tập thể cũng được nhận giải thưởng trong hội thi mô hình học cụ vật chất huấn luyện năm 2018. |
Ông Lâm Văn Răng (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, người từng tham gia trận đánh giao thông La Ngà ngày 1-3-1948) cho biết: “Ngày đó, chúng tôi cùng các anh em khác trong Chi đội 10 hầu hết chỉ được trang bị các vũ khí lấy được của người Pháp hoặc tự chế tạo ra. Số lượng súng, đạn có hạn nên mọi người ai nấy bảo nhau phải bắn chính xác, cố gắng tận dụng tốt từng viên đạn, không để phí phạm”.
Ngoài ra, trận đánh nổi tiếng vào tháp canh cầu Bà Kiên (nay thuộc TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tối 19-3-1948 do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Công An chỉ huy đã tiêu diệt 1 tiểu đội địch, thu 8 súng, 20 lựu đạn và đốt cháy tháp canh. Trận đánh này đã khai sinh ra lối đánh đặc công của bộ đội, trở thành tiền đề để ngày 19-3-1967 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Binh chủng Ðặc công.
Bước vào thời kỳ chống Mỹ, lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai lúc này đã lớn mạnh, với nhiều đơn vị, vũ khí, trang bị cũng dồi dào hơn trước. Với tinh thần khắc phục khó khăn, lực lượng vũ trang tỉnh đã cùng các đơn vị bạn, quần chúng nhân dân phối hợp tổ chức nhiều trận đánh ác liệt với quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn, lập nên nhiều chiến công chói lọi như: trận đánh Nhà Xanh (7-7-1959); các trận đánh của đơn vị đặc công, pháo binh vào Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình; trận đánh của Đặc công Rừng Sác vào kho bom Thành Tuy Hạ năm 1972…
Vào những ngày tháng 4-1975 lịch sử, lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai lại cùng các đơn vị chủ lực từ các hướng tiến công giải phóng nhiều địa phương. Đặc biệt là đã chọc thủng “cánh cửa thép” Xuân Lộc ngày 21-4-1975 để đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
* “Uống nước nhớ nguồn”
Tiếp bước truyền thống vẻ vang 72 năm hào hùng đó, những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai đã nỗ lực, phấn đấu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh việc xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, lực lượng vũ trang tỉnh còn làm tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân - dân; tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở.
Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các địa phương luôn đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, nhất là nỗ lực trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn được thực hiện dù chiến tranh đã lùi xa hơn 43 năm. Kết quả đã tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ, nhiều hố chôn tập thể lớn ở: Sân bay Biên Hòa (TP.Biên Hòa), căn cứ Hoàng Diệu (TX.Long Khánh), chốt Vườn Điều (huyện Nhơn Trạch)…
Thượng tá Bùi Tấn Mẫn, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Thống Nhất, cho biết năm 2017 đơn vị đã tìm kiếm và tổ chức an táng 4 hài cốt liệt sĩ. Từng cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện đều xác định việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của thế hệ sau thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đền đáp sự hy sinh của các lớp cha anh.
Để xứng đáng những thành tích và truyền thống vẻ vang đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn đoàn kết, giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, đưa Đồng Nai sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển.
Đăng Tùng