Thời gian qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) đã hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhiều lao động bị công ty sa thải trái pháp luật.
Thời gian qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) đã hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhiều lao động bị công ty sa thải trái pháp luật.
Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà tư vấn pháp luật về lao động cho công nhân tại các khu nhà trọ. |
Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh luôn là địa chỉ tin cậy cho người lao động tìm đến khi bị doanh nghiệp “xử ép”.
* Nhiệt tình hỗ trợ pháp lý
Ông Vương Quốc Anh (40 tuổi, ngụ phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) được Công ty TNHH KD Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) nhận vào làm công nhân theo hợp đồng có thời hạn. Qua quá trình làm việc, ông Anh được tập thể lao động bầu làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở của công ty nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày 25-11-2016, ông bất ngờ nhận quyết định cho nghỉ việc của lãnh đạo công ty với lý do “công ty không tái ký hợp đồng lao động”.
Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, chia sẻ: “Khi tư vấn cho người lao động, chúng tôi thường khuyên khi tranh chấp lao động xảy ra, việc đôi bên chọn giải pháp hòa giải thông qua tổ chức Công đoàn, cơ quan chức năng quản lý nhà nước về lao động là xu hướng tích cực, có lợi cho cả đôi bên trong việc tìm được tiếng nói chung hơn là đưa nhau ra tòa”. |
Theo ông Anh, nguyên nhân công ty bắt ông nghỉ việc có thể do trước đó ông gửi văn bản lên lãnh đạo công ty kiến nghị xem xét ký kết thỏa ước lao động tập thể và ký kết thang bảng lương cho người lao động vì thấy công ty chưa thực hiện nội dung này đúng theo quy định.
Tháng 10-1986, ông Vũ Mạnh Cương (ngụ ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển vật liệu IDICO (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) nhận vào làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ngày 12-10-2015, công ty ban hành thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông Cương với lý do “căn cứ vào tình hình hoạt động và sản xuất của công ty”. Đến ngày 13-11-2015, công ty ra quyết định cho người lao động nghỉ việc.
Nhờ các luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhiệt tình tư vấn, giải thích nên cả ông Anh và ông Cương đều hiểu rõ việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ là chưa đúng quy định pháp luật nên cả 2 đã mạnh dạn làm đơn khởi kiện 2 công ty này ra tòa đòi quyền lợi hợp pháp.
* Khởi kiện đòi quyền lợi
Về trường hợp của ông Anh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà cho hay theo quy định trong trường hợp người lao động là cán bộ Công đoàn từ tổ phó trở lên mà hết thời hạn hợp đồng lao động thì phải được gia hạn hợp đồng lao động đến hết nhiệm kỳ Công đoàn. Như vậy, căn cứ theo hồ sơ và lời trình bày của ông Anh, việc công ty cho ông nghỉ việc khi ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong nhiệm kỳ 2016- 2021 là chưa phù hợp với quy định. Do đó, việc ông Anh khởi kiện công ty đòi lại quyền lợi là chính đáng.
Đối với vụ việc của ông Cương, ngày 21-9-2017, Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch đã đưa vụ án tranh chấp hợp đồng lao động giữa ông Cương và công ty ra xét xử sơ thẩm. Tòa sơ thẩm chấp nhận một phần nội dung đơn khởi kiện của ông Cương và yêu cầu công ty phải nhận ông Cương trở lại làm việc; bồi thường 2 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Do tòa sơ thẩm không chấp nhận việc công ty bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc và các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Cương (từ ngày 13-11-2015 - ngày công ty ra quyết định cho nghỉ việc, đến tháng 3-2017 - ngày ông Cương đã xin việc làm ở công ty khác), qua tư vấn pháp luật của các luật sư Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, ông Cương đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm xem xét.
Trong quá trình xét xử, cấp phúc phẩm đã buộc công ty phải bồi thường cho ông Cương tổng số tiền 174 triệu đồng gồm: trả tiền lương trong những ngày làm việc đến ngày xét xử của tòa án cấp sơ thẩm; thanh toán tiền trợ cấp thôi việc; bồi thường 2 tháng tiền lương do công ty cho người lao động nghỉ việc sai quy định, đóng 15 tháng bảo hiểm xã hội. Đồng thời yêu cầu công ty phải bồi thường thêm 2 tháng tiền lương cho ông Cương khi ông không có nguyện vọng quay lại công ty làm việc…
Thành Nhân