Trong những năm gần đây, các địa phương và ngành chức năng nhiều lần ra quân dẹp chợ "cóc", chợ tạm, nhưng hiệu quả không như mong muốn. Tình trạng này hiện vẫn diễn ra khá phổ biến...
Trong những năm gần đây, các địa phương và ngành chức năng nhiều lần ra quân dẹp chợ “cóc”, chợ tạm, nhưng hiệu quả không như mong muốn. Tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến khiến tình hình giao thông ở một số tuyến đường trở nên phức tạp hơn.
Chợ “cóc” họp ngay trên quốc lộ 1K đoạn qua xã Hóa An, TP.Biên Hòa tồn tại đã nhiều năm. Nhiều người tổ chức mua bán chiếm hết phần đường xe 2-3 bánh. |
Hiện vẫn có nhiều chợ “cóc” lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông, tai nạn chực chờ. Các chợ họp ở vỉa hè, lòng đường đa số là tự phát, thường tập trung ở các khu vực có các khu công nghiệp, nhà máy, công ty đông công nhân.
Chợ tạm trên đường Điểu Xiển (thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa) hàng quán ngay sát đường, người mua đông đúc gây kẹt xe kéo dài như cơm bữa. |
Một trong những tuyến đường có chợ tự phát phức tạp và tồn tại từ nhiều năm qua là quốc lộ 1K đoạn trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, thuộc xã Hóa An (TP.Biên Hòa). Trên tuyến đường này, vào thời gian khoảng từ 17 giờ hàng ngày có đến hàng chục người bày bán đồ ăn, áo quần… la liệt ngay dưới lòng đường, chiếm gần hết làn đường cho xe 2-3 bánh. Cách đó không xa, cũng tồn tại chợ “cóc” ngay trên đường Nguyễn Thị Tồn. Đường đông đúc người bán, kẻ mua đến nỗi không ai biết đây là đường hay chợ?
Trên đường Nguyễn Thị Tồn (giáp giữa phường Bửu Hòa và xã Hóa An, TP.Biên Hòa), giao thông lộn xộn vì họp chợ. Xe tải lớn đi qua không được vì kẹt giữa dòng người và xe đông đúc. |
Thời gian hoạt động của đa số các chợ tự phát thường vào buổi sáng hoặc buổi chiều giờ tan ca. Đáng ngại nhất là lúc công nhân tan ca, hàng trăm người dừng, đậu xe lấn cả xuống đường để mua bán khiến các phương tiện lưu thông qua khu vực này vào thời điểm trên gặp rất nhiều khó khăn. Xe tải ben, xe container chạy ầm ầm sát bên, nhưng nhiều người vẫn không mảy may lo sợ tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng. Việc tụ tập mua bán đông đúc khiến các đoạn đường qua các khu chợ tự phát, chợ “cóc” ven đường luôn là những “điểm nóng” về an toàn giao thông.
Góc chợ “cóc” hàng rong được lập trên đường vào Khu công nghiệp Hố Nai (thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) giữa những xe lớn. |
Tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng hiện nay cho thấy việc tự do, tùy tiện của cả người mua và người bán khiến các tuyến đường được “mượn” họp chợ ngày nào cũng xảy ra ùn tắc. Bởi khi các phương tiện đang lưu thông, một vài người tham gia giao thông lại dừng đột ngột để mua hàng khiến những người phía sau phải phanh gấp dễ dẫn đến va quẹt. Còn những người điều khiển ô tô, xe tải… qua khu vực này cảm thấy bức xúc vì tình trạng ách tắc, ùn ứ xảy ra như cơm bữa.
Một gian chợ tạm dựng ngay bên đường sắt đoạn km1687+5 thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa rất nguy hiểm nếu người dân tụ tập mua bán khi có tàu hỏa chạy qua. |
Thực tế, những năm gần đây, các địa phương và ngành chức năng nhiều lần ra quân dẹp chợ “cóc”, chợ tạm nhưng chợ dẹp xong lại được “hồi sinh”, lực lượng chức năng quay đi rồi đâu lại vào đấy, lâu dần trở thành “quy luật”. Tuy nhiên, không phải vì khó mà không làm được, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương. Bởi chợ “cóc” lấn đường không chỉ gây nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông mà còn làm mất mỹ quan, văn minh đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Người dân mua bán ngay sát đường, kề cạnh xe lớn lưu thông gây mất an toàn giao thông. |
Dưới đây là một số hình ảnh chợ tạm, chợ “cóc” mọc tràn lan trên các tuyến đường làm mất an toàn giao thông mà phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận được.
Thanh Hải