Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điểm mới về tội phạm tham nhũng

08:04, 21/04/2018

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018) có nhiều điểm mới góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018) có nhiều điểm mới góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đại diện Đoàn Luật sư Đồng Nai tư vấn về điểm mới trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho người dân. Ảnh: Đ.Phú
Đại diện Đoàn Luật sư Đồng Nai tư vấn về điểm mới trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho người dân. Ảnh: Đ.Phú

Theo đó, hình phạt về các tội liên quan đến chức vụ như: tham ô, hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 cũng điều chỉnh tăng cao so với Bộ luật Hình sự năm 1999.

* Truy cứu tới cùng

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết những nội dung sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Hình sự 2015 đối với tội về chức vụ liên quan đến tham nhũng thể hiện cụ thể như sau: Điều 28 của bộ luật đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 3, khoản 4 của các điều 353, 354 Bộ luật Hình sự) nhằm truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn. Điều 61 của bộ luật này cũng đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Thế nào là hối lộ tình dục?

Nói về vấn đề hối lộ tình dục hiện nay, các chuyên gia pháp lý ở Đồng Nai nhận định về mặt khoa học hối lộ tình dục là một dạng hối lộ phi vật chất. Hành vi hối lộ tình dục thường xảy ra khi một người không có nhiều lợi thế về khả năng, trình độ nhưng lại có nhan sắc và tuổi trẻ, sử dụng những ưu thế nhất định để “tấn công” những vị quan chức không giữ được mình, qua đó có được sự thăng tiến vượt bậc trong một khoảng thời gian ngắn mà một công chức bình thường khó có thể có được.

Theo luật sư Nguyễn Đức, việc quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô, tội hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là một quy định mới, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Đối với tội phạm này, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý hình sự, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc.

Một điểm mới khác, để hạn chế hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước, Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung nhiều tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tù đối với hầu hết các tội phạm về tham nhũng.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự  2015 sửa đổi theo hướng cụ thể hóa mức tiền phạt.

Cụ thể: tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã nâng mức phạt từ 10-50 triệu đồng lên từ 30-100 triệu đồng. Tội nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, trước đây tiền phạt có thể bằng 1 hoặc gấp 5 lần số tiền hoặc giá trị tài sản mà người đó có được thì theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội giả mạo trong công tác nâng mức phạt từ 3-30 triệu đồng lên từ
10-100 triệu đồng.

* Hối lộ “lợi ích phi vật chất”

Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “của hối lộ” là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định ngoài lợi ích vật chất thì bổ sung “của hối lộ” có thể là “lợi ích phi vật chất” trong các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Tức là ngoài lợi ích vật chất khác, thì các lợi ích phi vật chất như lợi ích tinh thần cho người thụ hưởng cũng xem là yếu tố cấu thành đối với các tội danh trên.

Theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, lợi ích phi vật chất có thể là yêu cầu được đề bạt chức vụ, lợi ích, lên lương, khen thưởng, tình dục... Còn theo Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018) đã mở rộng nội hàm “của hối lộ”, bổ sung “lợi ích phi vật chất” trong cấu thành của 5 tội danh: nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Khi xây dựng Bộ luật Hình sự 2015, Quốc hội đã bổ sung quy định rất mới về hành vi nhận hối lộ. Cụ thể như ở Khoản 1 điều 354 tội nhận hối lộ quy định: người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù.     

Luật sư Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh) chia sẻ Bộ luật Hình sự 2015 đã luật hóa các quy định của Công ước quốc tế đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, theo đó đã mở rộng phạm vi tội phạm về chức vụ ra cả khu vực tư (ngoài nhà nước). Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các điều 353, 354 của Bộ luật Hình sự 2015.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều