Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ rừng mùa khô

08:04, 23/04/2018

Tháng 4, rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) đang duy trì cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Tháng 4, rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) đang duy trì cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Các kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Suối Trau (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đang kiểm tra các phương tiện phòng cháy, chữa cháy trước khi đi tuần rừng.
Các kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Suối Trau (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đang kiểm tra các phương tiện phòng cháy, chữa cháy trước khi đi tuần rừng.

TS.Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn, cho hay trong những ngày nắng gắt như hiện nay, nguy cơ cháy rừng mùa khô rất cao. Cho nên lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng Khu bảo tồn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác.

* Chịu nóng canh rừng

Giữa cái nắng trưa gay gắt tháng 4, các ngả đường vào rừng luôn hiện diện bóng dáng các kiểm lâm viên của Khu bảo tồn kết hợp cùng người dân địa phương trực chốt, tuần tra, theo dõi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại chòi canh lửa (ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cao chót vót, kiểm lâm viên Trần Đức Dũng (Trạm Kiểm lâm Suối Trau), lia ống nhòm, tỉ mỉ quan sát sự biến đổi của từng chòm rừng, xem có điều bất thường gì xảy ra không.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho rằng việc hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra cháy rừng là cả một giải pháp tổng thể từ Khu bảo tồn đến người dân sinh sống trong rừng và vùng tiếp giáp với rừng. Trong đó, giải pháp xây dựng và duy trì hoạt động các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng tại các địa phương gắn với việc thực hiện chính sách dân sinh hiệu quả là một thành công của Khu bảo tồn trong những năm qua.

Với kinh nghiệm của người giữ rừng lâu năm, kiểm lâm viên Dũng cho biết khi trên đầu tán cây lập lờ các đám mây màu trắng hoặc màu đen thì phải tập tung quan sát kỹ. Nếu đám mây màu trắng hoặc đen từ dưới bốc lên thành cuộn nghĩa là phía dưới chòm rừng đang xuất hiện đám cháy. Còn nếu quan sát thấy đám mây màu trắng, màu đen dập dờn trên tán cây thì rừng đang yên bình.

Là một trong số hàng chục người dân địa phương trên địa bàn các xã: Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) được Khu bảo tồn hợp đồng phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô, ông Trần Văn Hải (ngụ ấp 5, xã Mã Đà) luôn ý thức cao và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng.

Hàng ngày ông Hải tham gia trực gác, thăm nắm tình hình về rừng ở khu vực ông được giao phụ trách. Hễ gặp người quen từ rẫy, rừng đi ra, ông Hải đều gọi lại hỏi xem có ai đốt, dọn gì không. Nếu thấy có hiện tượng đốt, dọn cỏ, ông Hải mang bình xịt trên vai, xách xe máy chở theo bình nước 20 lít chạy ngược, chạy xuôi xem xét tình hình. Ông Hải tâm sự, công việc phòng, chống cháy rừng mùa nắng của ông cũng hồi hộp, căng thẳng như... canh vợ sắp sinh vậy.

* Không chủ quan

Ông Trần Văn Mùi cho biết nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống cháy rừng nên rừng ở Khu bảo tồn vẫn bình yên qua những mùa khô khắc nghiệt. Mùa khô  năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay, rừng ở Khu bảo tồn vẫn chưa xảy ra các đám cháy lớn, cháy nhỏ.

Cụ thể, Khu bảo tồn đã xây dựng hệ thống đường băng cản lửa đúng thời gian, khối lượng, chất lượng; thực hiện nghiêm túc công tác trực gác, trực thông tin cấp dự báo cháy rừng, tuần tra canh gác  nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi phát sinh các điểm cháy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống cháy rừng.

Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng, chống cháy rừng cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp Khu bảo tồn quản lý rất lớn (trên 100 ngàn hécta), trải dài gần 120km, tiếp giáp với nhiều địa phương, khu dân cư sinh sống. Tại một số khu vực xung yếu vào mùa khô, cây mai dương (mắt mèo) khô chết tạo lớp thảm mục dày, dễ bắt lửa gây cháy. Những khu vực dân cư sinh sống, làm nghề đánh bắt thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng như: nấu nướng, đốt dọn...

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu bảo tồn, việc tồn tại nhiều cụm dân cư phân bố rải rác và nằm sâu trong rừng; tập quán phát dọn, đốt rẫy vào mùa khô của người dân vùng tiếp giáp với rừng ở Khu bảo tồn luôn rình rập nguy cơ cháy lan vào rừng trong mùa khô. Nhất là việc các đối tượng xâm hại rừng bị lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, xử lý nên dễ nảy sinh hành vi trả đũa bằng việc lén lút đốt rừng cũng là mối lo ngại cho rừng vào mùa khô, khi nắng nóng ngày càng khắc nghiệt.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều