Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai nhiều phương án phòng chống cháy ở núi Chứa Chan

10:03, 07/03/2018

Mùa khô năm nay, huyện Xuân Lộc đã đề ra nhiều giải pháp phòng chống cháy nhằm bảo vệ an toàn diện tích rừng trên núi Chứa Chan...

Mùa khô năm nay, huyện Xuân Lộc đã đề ra nhiều giải pháp phòng chống cháy nhằm bảo vệ an toàn diện tích rừng trên núi Chứa Chan...

Treo biển cấm lửa ở núi Chứa Chan.
Treo biển cấm lửa ở núi Chứa Chan.

Cuối năm 2016, sau vụ cháy trên núi Chứa Chan, UBND tỉnh đã quyết định bổ sung nhiệm vụ bảo vệ rừng cho Ban Quản lý di tích quốc gia danh lam thắng cảnh núi Chứa Chan nên đổi tên thành Ban Quản lý và bảo vệ rừng di tích quốc gia núi Chứa Chan, tăng cường nhân lực nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng khu vực núi.

Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý và bảo vệ rừng di tích quốc gia núi Chứa Chan, cho biết, núi Chứa Chan có đặc thù đồi núi, địa hình đi lại khó khăn, cây tre, cỏ đót chiếm diện tích rất lớn, nguy cơ xảy ra cháy vào mùa khô cũng rất cao.

Căn cứ vào tình hình thực tế trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phòng hộ núi Chứa Chan trong mùa khô năm 2017-2018, ban quản lý đã xây dựng phương án phát đường băng cản lửa để phòng cháy và chữa cháy rừng, đã được UBND huyện Xuân Lộc phê duyệt.

Qua đó, ban quản lý đã tổ chức phát đường băng cản lửa và xử lý thực bì ở những khu vực rừng trồng, giữa rừng tự nhiên và các trảng cỏ với tổng diện tích phát được gần 10 hécta. Trong đó, đường băng cản lửa rừng trồng được áp dụng biện pháp kỹ thuật phát dọn thủ công và bố trí đường băng cản lửa bao quanh lô rừng trồng với chiều rộng đường băng từ 8-10m. Trên đường băng cản lửa, thực bì được phát dọn toàn bộ sau đó gom ra bờ lô rừng thành những bụi nhỏ gián đoạn và xử lý đốt.

Ban Quản lý và bảo vệ rừng di tích quốc gia núi Chứa Chan còn thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, nhân viên và quần chúng nhân dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, nhắc nhở các hàng quán, cơ sở kinh doanh quản lý tốt các nguồn điện, nguồn nhiệt; cắm các biển báo cấm lửa, biển quy định mức xử phạt dọc các tuyến đường trên núi.

Ban còn tuyên truyền đến khách hành hương, khách đi phượt không được sử dụng lửa, nguồn điện bừa bãi dễ xảy ra cháy, liên tục phát thanh ở các cụm loa trên đường cáp treo để nâng cao ý thực bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng đến khách tham quan. Hàng tuần ban đều có tổ chức kiểm tra hệ thống điện, mạch điện. Các đơn vị khác vào khu vực này làm việc đều được hướng dẫn và ký cam đoan thực hiện tốt công tác phòng chống cháy.

Đáng chú ý, nhân viên mới vào làm việc ở ban đều được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cơ bản và định kỳ 6 tháng/lần toàn thể cán bộ, viên chức và nhân viên đều được tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy để không bị động và thuần thục các phương án xử lý nếu có xảy ra sự cố cháy…

Là địa bàn có nhiều rừng nên trong điều kiện khí hậu hanh khô, nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước thực trạng trên, Xuân Lộc cũng đã đề ra giải pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả bằng phương châm 4 tại chỗ, là: chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ. Ngoài lực lượng nòng cốt như: kiểm lâm, chủ rừng, các xã, thị trấn, việc phát huy lực lượng cộng đồng dân cư là rất cần thiết và hiệu quả trong công tác phòng, chống cháy rừng của huyện.

Ngọc Hoàng

 

Tin xem nhiều