Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện chính sách pháp luật về lao động: Còn nhiều tồn tại

07:03, 19/03/2018

Qua giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về lao động tại một số công ty trên địa bàn tỉnh của Ban Văn hóa  - xã hội HĐND tỉnh cho thấy nhiều chế độ, chính sách, pháp luật cho người lao động chưa được doanh nghiệp đảm bảo; đời sống và môi trường làm việc của công nhân vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, môi trường làm việc còn bị ô nhiễm…

Qua giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về lao động tại một số công ty trên địa bàn tỉnh của Ban Văn hóa  - xã hội HĐND tỉnh cho thấy nhiều chế độ, chính sách, pháp luật cho người lao động chưa được doanh nghiệp đảm bảo; đời sống và môi trường làm việc của công nhân vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, môi trường làm việc còn bị ô nhiễm…

Công nhân Công ty cổ phần gạch men VTC (huyện Long Thành) làm việc trong dây chuyền sản xuất.
Công nhân Công ty cổ phần gạch men VTC (huyện Long Thành) làm việc trong dây chuyền sản xuất.

Tại Công ty TNHH Moland (chuyên sản xuất ba lô, túi xách, trụ sở ở Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), doanh nghiệp cho biết đã thực hiện cơ bản các chế độ, chính sách theo quy định đối với công nhân. Nhưng qua kiểm tra thực tế cho thấy nhiều chế độ, chính sách cho công nhân chưa được công ty đảm bảo.

* Làm việc trong môi trường nguy hiểm

Cụ thể, biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại theo quy định của Chính phủ chưa được Công ty TNHH Moland thực hiện hiệu quả; trong hệ thống sản xuất của công ty có 38 yếu tố gây nguy hiểm cho người lao động, nhưng đến nay công ty chỉ mới khắc phục được 3 yếu tố. Điều đó có nghĩa mỗi ngày người lao động trong công ty vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe.

Với Công ty cổ phần nông nghiệp Velmar (chuyên sản xuất và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm tại Khu công nghiệp Sông Mây), đoàn giám sát xác định quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về lao động của công ty còn nhiều tồn tại, đặc biệt là việc bảo đảm an toàn và thực hiện chế độ độc hại cho người lao động chưa đúng quy định. Một số công nhân còn làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, như: khói bụi, tiếng ồn…, nhưng chế độ bồi dưỡng độc hại chưa thực hiện đúng quy định.

Những người làm việc tại các vị trí độc hại, nguy hiểm nhưng chưa có quy định cụ thể về thời gian nghỉ và chế độ bồi dưỡng; công ty chưa phân loại tính chất độc hại cho người lao động... Việc chi trả chế độ độc hại cho người lao động theo quy định phải thực hiện bằng hiện vật, công ty lại trả bằng tiền là chưa phù hợp.

Trong khi đó, Công ty cổ phần gạch men VTC (trụ sở ở Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành) lại chi trả chế độ độc hại cho người lao động theo kiểu cào bằng (mỗi người 10 ngàn đồng/ngày ở mức thấp nhất); chưa phân loại các mức độ độc hại khác nhau, trong khi kết quả quan trắc môi trường lao động tại công ty năm 2017 có 80 mẫu không đạt tiêu chuẩn.

* Nhiều công nhân nghỉ việc vì áp lực

Bên cạnh môi trường làm việc khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, người lao động ở một số công ty còn phải làm thêm giờ quá mức quy định, số công nhân nghỉ việc rất cao… Đây là những vấn đề tồn tại mà các ngành chức năng và các đơn vị sử dụng lao động phải tìm cách khắc phục.

Công nhân Công ty cổ phần gạch men VTC ( huyện Long Thành) làm việc trong dây chuyền sản xuất
Công nhân Công ty cổ phần gạch men VTC ( huyện Long Thành) làm việc trong dây chuyền sản xuất

Tại Công ty cổ phần nông nghiệp Velmar, số giờ công nhân tăng ca hàng tháng rất cao. Mặc dù công việc nặng nhọc, nhưng đa số công nhân trong công ty phải làm thêm giờ mỗi ngày 5 giờ, mỗi tháng 30 giờ và mỗi năm 360 giờ. Ở Công ty TNHH sản xuất và thương mại Miền Quê, mỗi năm có gần 1,5 ngàn công nhân làm thêm 4 giờ/ngày, 75 giờ/tháng và 276 giờ/năm.

Vì thế, tình trạng công nhân nghỉ việc vì không thể chịu đựng áp lực từ công việc và môi trường làm việc khá cao. Như tại Công ty TNHH Moland chỉ sử dụng 369 lao động, nhưng trong năm 2017 có đến 505 công nhân nghỉ việc; Công ty cổ phần gạch men VTC có 989 công nhân, nhưng năm 2017 có 579 người thôi việc và mất việc.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần gạch men VTC Đinh Hồng Nhân, thời gian qua công ty liên tục tuyển dụng nhưng số công nhân vào rồi nghỉ khá nhiều. Lý do là nhiều công nhân không chịu được áp lực nên tự nguyện rút lui.

Nói về vấn đề này, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Kiều Minh Sinh cho rằng để người lao động gắn bó lâu dài, công ty phải có chính sách phù hợp, cải thiện môi trường làm việc để đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động. Lãnh đạo công ty phải thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền các chính sách của công ty; phải thực hiện chế độ dân chủ ở cơ sở, cho người lao động được đề đạt và trình bày nguyện vọng. Ban giám đốc công ty và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải có quy chế phối hợp rõ ràng, đặc biệt là các chế độ, chính sách cho người lao động phải đảm bảo.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền thì đề nghị các công ty tồn tại một số thiếu sót phải bổ sung các chính sách, pháp luật để đảm bảo chế độ cho người lao động. Bộ phận nhân sự của các công ty phải thường xuyên cập nhật các văn bản, quy định của pháp luật về chế độ, chính sách để áp dụng và thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Điều 141, Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định: “Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau: làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành; đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Mức bồi dưỡng, bằng hiện vật tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức: mức 1 là 10 ngàn đồng; mức 2 là 15 ngàn đồng; mức 3 là 20 ngàn đồng và mức 4 là 25 ngàn đồng”.

Trần Danh

Tin xem nhiều