Những sự cố, như: tàu hỏa cố tình vượt trạm, nhân viên lơ là khi làm nhiệm vụ, tàu đang chạy thì đứt toa… xảy ra trong thời gian qua đang đặt ra câu hỏi lớn về quy trình vận hành của ngành đường sắt,...
Những sự cố, như: tàu hỏa cố tình vượt trạm, nhân viên lơ là khi làm nhiệm vụ, tàu đang chạy thì đứt toa… xảy ra trong thời gian qua đang đặt ra câu hỏi lớn về quy trình vận hành của ngành đường sắt, nhất là các sự cố có thể ảnh hưởng đến an toàn của hàng trăm hành khách trên tàu.
Việc thực hiện gác chắn tại khu vực có đông phương tiện qua lại sẽ góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường sắt. Trong ảnh: Nhân viên gác chắn đường sắt làm nhiệm vụ tại đoạn giao với đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI |
Lúc 5 giờ 40 ngày 27-2, tàu khách SE25 chạy hướng Long Khánh - Trảng Bom khi đến khu vực Ga Dầu Giây dừng để tránh tàu ASY2 (xuất phát lúc 5 giờ 40 tại Ga Trảng Bom đi Long Khánh). Tuy nhiên, sau khi đi qua vị trí đón tàu tại Ga Dầu Giây, đến 5 giờ 59 tàu SE25 vượt tín hiệu ra ga dù đã có tín hiệu dừng khẩn cấp của nhân viên gác chắn và điều độ chạy tàu.
* Nhân viên lơ là nguy hiểm chết người
Phát hiện sự việc, nhân viên điều độ chạy tàu thông báo cho 2 đoàn tàu biết và 2 tàu dừng lại cách nhau khoảng 10m tại km1663+340 khu gian Dầu Giây - Trảng Bom (thuộc huyện Thống Nhất). Sau sự cố, điều độ chạy tàu đã hướng dẫn Trưởng tàu SE25 chạy lùi về Ga Dầu Giây để thông tuyến đường sắt tại khu vực này; đồng thời lập biên bản sự việc, thử hãm và cho tàu tiếp tục di chuyển lúc 7 giờ 3 cùng ngày.
Bà Đoàn Ngọc Thương (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Vận tải hành khách trên tuyến đường sắt được đánh giá là an toàn hơn so với những loại hình vận tải khác. Tuy nhiên, các sự cố vừa qua cho thấy ngành đường sắt nếu không kịp thời khắc phục và ngăn chặn các sự cố có thể phát sinh thì niềm tin của người dân khi lựa chọn tàu hỏa để đi lại sẽ giảm sút. Ngoài các sự cố về kỹ thuật và con người, thời gian tới cần phải nâng cao công tác phục vụ hơn nữa”. |
Sự việc được ngăn chặn kịp thời, chưa gây thiệt hại về người, nhưng được đánh giá là nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do yếu tố con người, tổ lái tàu SE25 đã xác nhận nhầm tín hiệu vào ga và không quan sát tín hiệu ra ga nên để tàu chạy thông qua Ga Dầu Giây.
Cũng xuất phát từ lỗi của các nhân viên ngành đường sắt mà ngày 6-2-2011, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực cầu Ghềnh đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 2 người chết và 22 người bị thương.
Nguyên nhân được xác định là do nhân viên gác chắn tại đây lơ là trong nhiệm vụ trực chắn, tự ý bỏ gác để mặc các phương tiện tự do đi vào cầu Ghềnh. Đến khi tàu khách chạy qua trạm thì không xử lý kịp, tàu hỏa đã va chạm với hàng loạt phương tiện khác đang lưu thông qua cầu.
Tai nạn đường sắt để lại hậu quả rất nghiêm trọng, vì vậy quy trình vận hành cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Những sự cố như: tàu đang chạy bỗng dưng đứt toa khiến lịch trình di chuyển trên tuyến đường sắt bị ảnh hưởng, gây ùn tắc giao thông tại các vị trí giao cắt... không phải chuyện hiếm.
Khoảng 8 giờ ngày 24-8-2017, tàu SBN2 chở hàng lưu thông hướng TP.Hồ Chí Minh đi qua Ga Hố Nai. Khi đến khu vực giao nhau với đường Phạm Văn Thuận (thuộc phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), tàu hàng bất ngờ đứt ống hơi, nằm chắn ngang giữa đường sắt với đường bộ.
Nhận được tin báo, nhân viên kỹ thuật đường sắt đã có mặt để khắc phục sự cố. Vụ việc khiến giao thông khu vực này bị ùn tắc nghiêm trọng, may mắn không gây thương vong về người, nhưng cũng khiến nhiều người một phen hoảng loạn. Vì sau khi đứt toa, phần đuôi của tàu hàng “trôi tự do” một đoạn khá dài.
Trước đó, vào lúc 18 giờ 25 ngày 5-2-2012, tại km1700+707 tuyến đường sắt Bắc - Nam khu vực cầu Ghềnh xảy ra sự cố đoàn tàu chở hàng đang chạy thì bị đứt 1 toa. Thời điểm này, tàu hàng mang số hiệu HDS2 đang chạy từ TP.Hồ Chí Minh đi Hà Nội; đến khu vực giao với tuyến tỉnh lộ 16 (đường Bùi Hữu Nghĩa) thì tàu bị đứt toa. Phần toa bị đứt sau đó đã tự động hãm phanh và nằm lại tại đầu khu vực cầu Ghềnh (thuộc phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa); riêng đầu tàu và các toa còn lại được lái tàu hãm phanh và dừng lại trên cầu Ghềnh. Vụ việc khiến giao thông 2 đầu cầu bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
* Cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình
Phó trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn Phạm Xuân Phúc cho biết đường tàu của Việt Nam hiện nay là đường tàu đơn, một tàu đi ngược chiều phải đợi tàu kia tránh. Do chỉ có một loại phương tiện di chuyển nên khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra sẽ gây ách tắc cho toàn tuyến; đặc biệt là an toàn tính mạng của hàng trăm người ở trên tàu.
Thống kê của Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho thấy trong năm 2017, trên tuyến đường sắt xảy ra 1.367 sự cố chạy tàu. Con số này tăng so với năm 2016 tới 147 vụ. Trong đó, có các sự cố rất nghiêm trọng, như: điều khiển tàu chạy khi chưa có tín hiệu cho phép, đón 2 tàu vào một đường hoặc để tàu hỏa trôi dốc, tàu vượt mốc tránh va chạm ở ga…
Một lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải chia sẻ thêm, sự cố lái tàu “vượt đèn đỏ” tại Ga Dầu Giây vừa qua cho thấy việc tàu vượt tín hiệu có thể dẫn đến tàu đối đầu nhau hoặc va chạm nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đó là chưa kể tàu chạy không theo lịch trình, quy định dễ va chạm với xe cộ tại các đường ngang giao với đường sắt vì nhân viên trực gác đường ngang có thể đóng chắn không kịp.
Theo lãnh đạo này, tất cả các quy định về kỹ thuật, tổ chức chạy tàu đều có. Nếu những quy định này được các bộ phận thực hiện tốt và tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình sẽ không có vấn đề gì xảy ra. để ngăn chặn hoặc hạn chế những sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa đường sắt, ngoài yếu tố kỹ thuật thì con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, mỗi nhân viên làm nhiệm vụ, mỗi bộ phận của ngành đường sắt cần nâng cao tinh thần và trách nhiệm. Sau sự việc này, ngành đường sắt cần phải rà soát lại các quy trình thực hiện, từ vấn đề kỹ thuật đến con người để những vụ việc tương tự không thể xảy ra.
Thanh Hải