Là sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân, nước uống đóng bình (đóng chai) được nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư sản xuất mặt hàng này. Sự cạnh tranh kéo giá thành sản phẩm xuống thấp khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng nước tinh khiết, đảm bảo các tiêu chuẩn như công bố.
Là sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân, nước uống đóng bình (đóng chai) được nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư sản xuất mặt hàng này. Sự cạnh tranh kéo giá thành sản phẩm xuống thấp khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng nước tinh khiết, đảm bảo các tiêu chuẩn như công bố.
Lực lượng kiểm tra liên ngành lập biên bản kiểm tra đối với chủ Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Công Hoan (áo trắng). |
Để ngăn chặn những cơ sở vì lợi nhuận mà bỏ qua các tiêu chuẩn bắt buộc về sản xuất nước sạch và bảo vệ sức khỏe người sử dụng, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở TP.Biên Hòa.
* Kiểm tra lòi ra sai phạm
Kiểm tra Công ty TNHH thương mại - dịch vụ và sản xuất Hưng Gia Phát (ở số 122/32, đường Hoàng Minh Chánh, xã Hóa An, TP.Biên Hòa), lực lượng liên ngành xác định công ty sản xuất 800 lít nước uống/ngày. Thời điểm kiểm tra công ty còn 150 bình thành phẩm loại 20 lít và hàng trăm chai nước uống đóng sẵn, nhưng bình nước thành phẩm để dưới nền nhà. Mặc dù nhân viên công ty được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng khi sản xuất nước không mang khẩu trang, không mặc đồng phục…
Giá bán một bình nước loại 20 lít của các thương hiệu có uy tín với nước đóng bình của các nhãn hiệu ít được biết đến hơn kém nhau hơn 20 ngàn đồng. Nhiều khách hàng có tâm lý mua nước giá rẻ, không để ý đến yếu tố chất lượng nên một số cơ sở kinh doanh mua nước của các nhãn hiệu ít tên tuổi, giá rẻ về bán. |
Tại cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Công Hoan (tại tổ 13, ấp Bình Hóa, xã Hóa An do ông Phan Văn Hoan làm chủ), cơ quan chức năng phát hiện 120 bình thành phẩm loại 20 lít để dưới nền nhà, bình không đề ngày sản xuất và hạn sử dụng. Khu vực sang chiết có dấu hiệu không hoạt động, nền nhà nhếch nhác, bụi bám dày, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đèn chiếu sáng, đèn cực tím không hoạt động.
Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được phiếu kiểm nghiệm nguồn nước, giấy khám sức khỏe của công nhân và giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lý giải về nguyên nhân chưa quan tâm đầy đủ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ cơ sở viện lý do sản xuất còn ít, giá bán rẻ, mỗi bình nước bán ra thị trường có 7 ngàn đồng nên còn thiếu sót nhiều thứ và hứa sẽ khắc phục để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Tương tự, kiểm tra Công ty TNHH một thành viên Cảnh Hường (ở KP.3, phường Trảng Dài), cơ quan chức năng phát hiện 200 bình nước thành phẩm loại bình 21 lít không ghi ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng; nhiều bình để dưới nền nhà; công ty không có khu vực súc rửa và tiệt trùng chai, bình đựng sản phẩm; nhiều vỏ bình cũ được tận dụng đổ nước vào rồi đưa đi tiêu thụ. Công ty không sử dụng chất tẩy, rửa theo quy định để làm sạch bình mà chỉ tráng bình qua loa rồi đổ nước vào. Gần khu vực sản xuất nước uống, chủ cơ sở còn tận dụng nuôi nhốt chim bồ câu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở chưa cung cấp được giấy phép kinh doanh và các thủ tục, điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giống như chủ cơ sở Công Hoan, đại diện Công ty TNHH một thành viên Cảnh Hường đưa ra lý do giá bán mỗi bình chỉ 6 ngàn đồng, trừ chi phí lời không bao nhiêu, lấy công làm lời nên đã bỏ qua một số công đoạn nhằm tiết giảm chi phí.
* Chấn chỉnh kịp thời những vi phạm
Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh đã đẩy giá bán nước uống đóng bình xuống quá thấp. Để có lợi nhuận, cơ sở phải cắt giảm chi phí sản xuất dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo an toàn là điều khó tránh khỏi.
Đại úy Bùi Trường Sơn, Phó đội trưởng Đội An toàn vệ sinh thực phẩm Phòng Cảnh sát phòng chống tệ nạn về môi trường, cho biết kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết cơ sở sản xuất nước uống đóng bình đều có đủ thủ tục pháp lý về an toàn thực phẩm, nhân viên được tập huấn, nhận thức được pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số cơ sở vì lợi nhuận đã không đầu tư theo quy trình được quy định. Ngoài cắt giảm các trang thiết bị, các khâu súc rửa, tẩy trùng bình đựng, một số cơ sở không có thiết bị phòng chống côn trùng, khử trùng vỏ bình theo đúng quy định.
Một điểm chung dễ nhận thấy là cả người trực tiếp cung ứng sản phẩm đến người sử dụng đều không biết nước trong bình có thực sự sạch hay không; không biết cơ sở sản xuất có làm đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn như đã công bố; không cần biết cơ sở sản xuất ở đâu mà chỉ tin tưởng vào lương tâm, trách nhiệm của nhà sản xuất và các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình vẫn còn nhiều thiếu sót. Định kỳ trong năm, những cơ sở sản xuất nước uống đóng bình tự đưa nước thành phẩm đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm các tiêu chuẩn, chất lượng đã công bố, đăng ký. Với cách thức sản xuất, bảo quản nước như một số cơ sở ít có uy tín trong thời gian qua, ai dám tin chắc nước thành phẩm do họ sản xuất ra sẽ được đưa đi kiểm nghiệm, hay lại lấy nước của các thương hiệu có uy tín để kiểm nghiệm.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh nước uống bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ nhà sản xuất có uy tín, ngoài việc tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm của nhiều cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý các cơ sở vi phạm tại địa phương mình nhằm nâng cao nhận thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc tăng cường quản lý nhà nước là điều rất cần thiết và quan trọng trong việc quản lý mặt hàng thiết yếu này.
Văn Nhuệ