Trong giờ tòa nghị án, các bị cáo thường được người thân hỏi thăm sức khỏe vài câu, hoặc dặn dò cải tạo tốt để sớm về với gia đình. Tuy nhiên, bị cáo Trương Quang Hùng (22 tuổi, ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) lại trở nên cô độc trong phòng xử án khi không có một người thân nào đến dự tòa.
Trong giờ tòa nghị án, các bị cáo thường được người thân hỏi thăm sức khỏe vài câu, hoặc dặn dò cải tạo tốt để sớm về với gia đình. Tuy nhiên, bị cáo Trương Quang Hùng (22 tuổi, ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) lại trở nên cô độc trong phòng xử án khi không có một người thân nào đến dự tòa.
Bị cáo Trương Quang Hùng cúi đầu chấp nhận bản án tòa tuyên. |
Người dự tòa duy nhất có quen biết bị cáo là cô bạn học ngày xưa, nhưng cô lại là con gái bị hại. Thay vì hỏi thăm nhau, họ lại tranh cãi gay gắt trước tòa.
* Giết nhầm người ngay
Trưa 6-4-2017, bị cáo Hùng đến nhà ông Nguyễn Văn Khoa (ngụ xã Bàu Cạn) để uống rượu cùng với ông Khoa, ông Nguyễn Văn Cảnh (46 tuổi, ngụ xã Bàu Cạn) và chị Tuyền (chưa rõ lai lịch). Tiệc tàn, được ông Cảnh nhờ nên Hùng chở chị Tuyền về. Khi đến đoạn đường đập Suối Cả (xã Bàu Cạn), một thanh niên đi xe máy chạy theo chặn xe Hùng lại đe dọa, rồi chở chị Tuyền đi.
Một mình quay lại nhà ông Khoa trả xe, Hùng thấy người thanh niên đe dọa mình trước đó đang cầm dao. Nghĩ người thanh niên muốn gây sự, Hùng chạy về nhà lấy chiếc kéo chạy ra đòi đánh trả.
Lúc này, ông Cảnh từ trong nhà bà Nguyễn Thị Kim Ánh (ngụ ấp 3, xã Bàu Cạn) hỏi Hùng chở chị Tuyền đi đâu thì 2 bên xảy ra cự cãi và Hùng dùng kéo đâm ông Cảnh tử vong. Sau khi gây án, Hùng đến cơ quan công an đầu thú.
Vị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Hùng: “Bị cáo đã uống bao nhiêu rượu hôm đó?”. “Dạ, 5 người uống khoảng 5-6 lít” - bị cáo Hùng đáp. Chủ tọa lại hỏi: “Trong lúc nhậu, bị cáo có mâu thuẫn gì với ông Cảnh không?”. Bị cáo trả lời: “Thưa, không”. “Vậy tại sao bị cáo lại lấy kéo đâm ông Cảnh” - chủ tọa tiếp tục. Bị cáo: “Vì say rượu, bị cáo tưởng ông Cảnh là người thanh niên muốn đánh bị cáo nên bị cáo đâm ông Cảnh”.
Vị chủ tọa càng hỏi, những câu trả lời của bị cáo Hùng càng khiến những người dự tòa cảm thấy nguyên nhân xảy ra vụ án mạng thật sự quá vô lý.
Ngày ra tòa, vợ bị hại đưa 4 cô con gái cùng tham dự. Sau khi đề nghị tòa xét xử theo pháp luật, vợ bị hại nói: “Nhà nó khá lắm, nhưng chỉ bồi thường được có 29 triệu đồng khi chồng tôi đi cấp cứu và lo đám tang, sau đó chẳng thấy đến thắp cho chồng tôi cây nhang nào. Chồng chết, mẹ con tôi bám víu nhau mà sống, đứa lớn phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi đứa nhỏ”.
Khi được vị chủ tọa cho phép, bị cáo Hùng quay người về phía vợ con bị hại, cúi thấp đầu rồi nói: “Con sai rồi, con biết lỗi của bản thân. Vì hành vi của con đã khiến gia đình cô phải khổ sở. Con mong gia đình hãy tha thứ…”.
Nghe chính miệng bị cáo nói câu xin lỗi, vợ con bị hại cũng nguôi ngoai vài phần. Người phụ nữ đau khổ ấy nói: “Chồng tôi cũng chết rồi, giờ có nói gì cũng không thể bù đắp được. Nếu bị cáo nghĩ đến thì hãy đền bù để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn”.
* Lời xin lỗi
Sau khi nghe vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án 18-20 năm tù, chân bị cáo Hùng chùng xuống, tay buông lỏng, đôi mắt lem nhem vài giọt nước mắt rồi ngồi trầm ngâm một cách đơn độc. Đôi mắt bị cáo dường như chưa một lần dám nhìn thẳng vào mắt người khác khi trả lời hay khi nói chuyện.
“Tủi thân, buồn quá, nhưng không sao…”, bị cáo càng cố trấn an bản thân, chúng tôi càng thấy bị cáo đang thực sự thèm khát có ai đó nói chuyện, đặc biệt là người thân. Bị cáo kể trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo không muốn báo cho gia đình biết; bởi bị cáo cho rằng bản thân đã làm khổ cha mẹ nhiều rồi, giờ ra tòa mà gọi cha mẹ đến dự càng làm khổ họ hơn.
“Cha mẹ sẽ vì bị cáo mà tủi nhục và đau lòng hơn” - bị cáo Hùng chia sẻ.
Bị cáo Hùng kể bản thân là con trai cưng trong nhà nên cha mẹ luôn yêu chiều. Học hết lớp 7, vì không muốn học tiếp nên Hùng xin nghỉ học rồi theo mẹ đi cạo mủ cao su kiếm tiền. Đủ tuổi lao động, bị cáo xin làm công nhân với mức lương tháng gần chục triệu đồng. Đáng lẽ bị cáo đã thành người có ích cho gia đình nếu không có những cuộc đàn đúm, nhậu nhẹt. “Bị cáo đã đi sai đường, không chịu lo làm ăn mà nghỉ việc theo đám bạn bè đàn đúm. Giờ vào tù chẳng thấy bạn đâu... Giờ mới biết bạn bè có là gì, tệ quá!” - bị cáo buột miệng nghe thật xót xa.
Từ ngày Hùng bị bắt, mẹ bị cáo Hùng vào thăm con được vài lần, còn cha bị cáo chưa một lần thăm bị cáo. Bị cáo nói: “Chắc cha bận”, nhưng chúng tôi biết trong câu nói ấy có sự mong mỏi và hy vọng. Chính bị cáo cũng nghĩ là do cha quá giận nên mới không chịu gặp mặt con. “Ngày trước, cha mẹ thương thì bị cáo không biết. Giờ vào tù nghĩ lại mới biết họ thương mình” - bị cáo Hùng nói.
Khi chúng tôi hỏi bị cáo Hùng có nguyện vọng gì thì bị cáo nói: “Bị cáo muốn được gặp cha để nói lời xin lỗi. Lần này, bị cáo thật sự đã biết mình sai… Xin cha tha lỗi cho con, con hứa sẽ làm đứa con ngoan khi trở về. Đừng bỏ rơi con, đáng sợ lắm…” - nói đến đây, giọng bị cáo như nghẹn lại.
Vì phút bốc đồng mà bị cáo Hùng phải chôn vùi cuộc đời 18 năm sau song sắt trại giam khi mới ở tuổi 22.
Tố Tâm