Từ lúc thi công hầm chui Tân Phong đến nay, người dân TP.Biên Hòa mỗi khi đi qua khu vực này lại ngán ngẩm với cảnh kẹt xe "trường kỳ".
Từ lúc thi công hầm chui Tân Phong đến nay, người dân TP.Biên Hòa mỗi khi đi qua khu vực này lại ngán ngẩm với cảnh kẹt xe “trường kỳ”.
Hàng trăm phương tiện vất vả khi thường xuyên xếp hàng di chuyển qua nút giao ngã tư Tân Phong. |
Ghi nhận của phóng viên cho thấy vào giờ cao điểm, hàng ngàn xe (gồm cả ô tô và xe máy) đổ dồn về khu vực đang thi công hầm chui và ngược lại, gây ùn tắc kéo dài.
* Phương tiện đổ dồn về một chỗ
Kẹt xe nghiêm trọng nhất chủ yếu ở hướng từ ngã tư Amata về ngã tư Tân Phong. Có thời điểm dòng xe ken đặc kéo dài mấy trăm mét từ trước vòng xoay chợ Tân Hiệp đến ngã tư Tân Phong.
Nhiều vị trí trên đường, nước tạo thành vũng gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. |
Điều đáng nói, xe cộ ít chọn lưu thông qua các đường nhánh ở 2 bên đường Đồng Khởi mà dồn về khu vực công trình đang thi công khiến nút giao này trở nên quá tải, gây ra tình trạng kẹt xe liên tục trong thời gian qua.
Theo phản ánh của người dân, nếu đi theo đường nhánh thì quãng đường di chuyển xa hơn nhiều, chưa kể các tuyến đường nhánh nhỏ hẹp, lại vòng vèo. Do đó, nhiều người thường chọn đi qua khu vực ngã tư Tân Phong, chấp nhận đối mặt với ùn tắc và lưu thông chậm chạp.
“Tôi thử đi đường nhánh một lần, nhưng bị lạc đường do có quá nhiều hẻm nhỏ, lối rẽ. Để tìm đường ra, tôi phải hỏi người dân chứ dựa vào các bảng chỉ dẫn đường thì không tìm được đường ra. Từ đó, tôi chấp nhận chôn chân trên đường, chờ qua điểm kẹt xe” - chị Huỳnh Thiên Lý (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Thông thường, đoạn từ chợ Tân Hiệp về ngã tư Tân Phong xe máy có thể theo đường Nguyễn Văn A đi ra đường Nguyễn Ái Quốc để về hướng phường Trảng Dài và huyện Vĩnh Cửu. Các con hẻm thông với đường Nguyễn Văn A vốn chật hẹp, nhiều đoạn hư hỏng, đất đá lởm chởm, chưa kể đường hẻm chằng chịt như “mạng nhện” nhưng ở mỗi hướng đi chỉ có 2 bảng hướng dẫn nằm cách xa nhau nên những người không thông thuộc địa hình khó nắm bắt được. Vì thế người dân không đi đường nhánh mà lại dồn về một điểm kẹt xe.
Tương tự, ở chiều ngược lại có nhiều đường hẻm thông với đường Nguyễn Ái Quốc, nhưng nhiều người không biết rõ nên ít di chuyển khiến hàng trăm xe phải nối đuôi nhau chờ thoát khỏi vị trí ùn tắc.
ông Lê Văn Nhật (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết mỗi ngày đi làm ông đều mệt mỏi với cảnh kẹt xe kéo dài, chỉ một đoạn đường ngắn nhưng phải mất 20-30 phút mới đi qua được. Thậm chí, những ngày trời mưa hay gặp lúc tàu hỏa chạy qua, ông phải mất cả tiếng chờ và xếp hàng dài trên đường.
Dù lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và nhân viên của đơn vị thi công vất vả điều tiết và phân luồng giao thông, nhưng có thời điểm ùn tắc nghiêm trọng vẫn xảy ra. Nguyên nhân là do áp lực phương tiện đổ về đây quá lớn, trong khi mặt đường bị thu hẹp chỉ còn lối đi nhỏ hẹp.
ông Lê Ngọc Bảo, nhân viên trực tiếp điều tiết giao thông tại đây, lên tiếng: “Chúng tôi yêu cầu lưu thông vào đường nhánh nhưng người dân không chấp hành khiến tình trạng kẹt xe đã phức tạp càng rối hơn, những người làm công tác điều tiết giao thông cũng nhọc nhằn không kém”.
* Khắc phục bất cập trong quá trình thi công
Công trình hầm chui Tân Phong hiện còn nhiều hạng mục đang thi công nên tình trạng ùn tắc giao thông khó có thể giải quyết triệt để. Thêm vào đó, nhiều vị trí mặt đường ghồ ghề bởi đá, sỏi, các tấm đan nhô cao nên việc di chuyển của người và phương tiện qua đây rất vất vả; các sự cố giao thông như: ngã xe, va quẹt xảy ra thường xuyên.
Người dân thường xuyên bị ngã xe do mặt đường lởm chởm đá, chướng ngại vật. |
Thêm vào đó, một số cống chứa cáp viễn thông không được che chắn cẩn thận khiến nhiều người thấy bất an khi qua đây. Tình trạng bụi bặm, nước tụ vũng trên đường cũng ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện.
Chỉ huy trưởng kiêm Phó giám đốc điều hành dự án nút giao ngã tư Tân Phong Trần Văn Pha cho biết để đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao có lượng phương tiện lưu thông lớn, nhà thầu luôn cử người thường trực điều tiết giao thông; cả 4 hướng tiến về dự án đều có bảng chỉ dẫn và người hướng dẫn phương tiện đi lại.
Theo cam kết của đơn vị thi công hầm chui Tân Phong, trước Tết Nguyên đán 2018 hướng giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc sẽ được trả lại nguyên trạng để giúp người dân đi lại thuận lợi và an toàn hơn. |
Đơn vị thi công cũng bố trí 4 chốt chia làm 3 ca trực tiếp điều tiết 24/24 giờ trên toàn bộ dự án. Vào giờ cao điểm, khu vực này còn có lực lượng chức năng tham gia, nhưng ở đây là khu vực quan trọng, nhiều phương tiện lớn lưu thông nên thường xảy ra ùn tắc.
Thời gian qua, do lượng xe phục vụ công trình hầm chui lưu thông nhiều nên gây rơi vãi vật liệu xây dựng, khiến khói bụi ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông cũng như cuộc sống của người dân. Do đó, nhà thầu sẽ tăng cường tưới nước, thu dọn chướng ngại vật nhằm đảm bảo giao thông được thông thoáng.
“Theo kế hoạch, đơn vị sẽ thi công phần đường dẫn trước để đảm bảo giao thông, sau đó làm cống thoát nước rồi mới thi công phần hầm. Tuy nhiên qua triển khai thực tế, chúng tôi phải chọn thi công phần hầm trước. Dự kiến đến giữa tháng 3-2018, sau khi thông phần hầm thì tình trạng kẹt xe ở ngã tư Tân Phong cơ bản được giải quyết” - ông Pha cho hay.
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành nhấn mạnh trong quá trình thi công hầm chui Tân Phong, cơ quan chức năng và nhà thầu hạn chế tối đa những bất cập, cũng như kịp thời điều chỉnh các phương án phân luồng giao thông theo hướng triệt để nhất. Khi đi vào đường nhánh quãng đường có thể xa hơn, nhưng người dân sẽ giảm thời gian chờ đợi trên đường, từ đó hạn chế bớt áp lực về giao thông cho khu vực đang thi công.
“Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải đóng vai trò quan trọng trong việc phân luồng, điều tiết giao thông, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài và phức tạp” - ông Từ Nam Thành chia sẻ thêm.
Thanh Hải