Để xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải, các cơ quan chức năng đã sử dụng nhiều biện pháp, như: trang bị trạm cân di động; xử lý các trường hợp xếp hàng quá tải lên xe ngay tại kho bãi, bến cảng…
Để xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã sử dụng nhiều biện pháp, như: trang bị trạm cân di động; xử lý các trường hợp xếp hàng quá tải lên xe ngay tại kho bãi, bến cảng… Qua đó, vi phạm tải trọng đã giảm trên 92%, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn giao thông trong toàn tỉnh.
Ngoài mỏ đá Tân Cang, khu vực mỏ đá Hóa An (TP.Biên Hòa) được đánh giá có tình hình vi phạm chở quá tải phức tạp. Trong ảnh: Xe tải ben “khủng” xếp hàng trên đường Nguyễn Văn Lung (qua ấp Cầu Hang, xã Hóa An) bị người dân chặn lại do lưu thông gây mất an toàn giao thông. |
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 3 năm qua phương tiện vận tải hàng hóa trong tỉnh tăng khá nhanh, trung bình 10%/năm. Đến tháng 11-2017, Đồng Nai đã có gần 52,9 ngàn xe ô tô vận tải hàng hóa đăng ký, tăng 12 ngàn xe so với 2 năm trước đó.
* 92% vi phạm quá tải bị xử lý
Đồng Nai có hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy và đường bộ rộng lớn và phức tạp với nhiều tuyến quốc lộ đi qua. Trên địa bàn còn có 30 khu công nghiệp tập trung, 23 mỏ khai thác vật liệu đang hoạt động, 15 cảng biển, 5 cảng sông và 89 bến thủy nội địa. Do đó, việc kiểm soát, xử lý vấn đề chở quá tải trọng đòi hỏi phải được đẩy mạnh và quyết liệt.
Trong năm 2017, lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính về quá tải, quá khổ, rơi vãi trên đường với hơn 3,7 ngàn trường hợp; cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 993 trường hợp, tạm giữ 138 phương tiện, ra quyết định xử phạt hơn 1,2 ngàn trường hợp (bao gồm cả lái xe và chủ xe) về vi phạm quá tải trọng cho phép. |
Chánh thanh tra giao thông Sở Giao thông - vận tải Dương Mạnh Hưng cho hay vi phạm chở hàng quá tải trọng cầu đường trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, với trên 92% so với trước khi triển khai Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Năm 2017, Đồng Nai đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải tại 40 hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải trên toàn tỉnh. Qua đó, lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 29 vụ việc; tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa đã tiến hành kiểm tra 22 đơn vị, lập biên bản 19 trường hợp.
Ông Hưng cho hay trong vòng 1-2 phút, nếu không có lực lượng chức năng, chỉ cần chủ hàng cho 1-2 gàu đất, đá lên xe cũng dẫn đến quá tải. Không ngoại trừ trường hợp một số doanh nghiệp, chủ mỏ cử “cò” liên tục bám sát lực lượng chức năng thông báo tình hình nhằm gây khó khăn cho quá trình kiểm tra dẫn đến việc xử lý xe chở quá tải vẫn chưa triệt để.
Đoàn kiểm tra 07 (do UBND tỉnh thành lập theo quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 15-4-2015 về kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ) của tỉnh cũng đánh giá bên cạnh những chủ xe, lái xe chấp hành tốt, vẫn còn một số trường hợp chấp hành chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chở quá tải (cao hơn thành thùng xe) ở một số tuyến đường, như: quốc lộ 51, quốc lộ 1K, Võ Nguyên Giáp và các đường tỉnh: 766, 767, 768, 25B…
Hơn 2 năm qua, Đoàn kiểm tra 07 đã tổ chức kiểm tra công khai 5 lần với hơn 30 lần đột xuất, bất ngờ. Qua đó, đã phát hiện việc kiểm tra các xe qua chốt kiểm soát giao thông có dấu hiệu vi phạm về tải trọng chưa triệt để, vẫn còn xe quá tải lọt qua chốt lưu thông ra các tuyến đường chính; không yêu cầu lái xe quay lại buộc hạ tải mới xuất bến…
Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng kiểm soát tại một số tuyến đường chưa thường xuyên, chưa liên tục, chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý xe chở quá tải một cách triệt để. Từ đó, Đoàn kiểm tra 07 yêu cầu các trưởng trạm cân lưu động tiếp tục rà soát các vị trí lắp đặt trạm cân trên các tuyến đường nhiều xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng để đề xuất cho chuyển trạm.
Đoàn kiểm tra 07 cũng kiến nghị công an các địa phương nắm tình hình, điều tra, xử lý đối với các hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe, xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ, “bảo kê”, dẫn đường cho xe quá tải lưu thông nhằm tránh, vượt trạm cân.
* Quyết liệt với quá tải
Phải xử lý quyết liệt xe chở quá tải tại những “điểm nóng” gây hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông… và không tạo bức xúc cho dân, được nhiều địa phương, các ngành quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Xe tải ben chở vật liệu xây dựng được đưa vào kiểm tra tải trọng tại trạm cân lưu động xe đặt tại đường Võ Nguyên Giáp (TP.Biên Hòa). |
Các “điểm nóng” bao gồm: khu vực mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa), tuyến đường tỉnh 768 (đoạn qua huyện Vĩnh Cửu), các mỏ đá Soklu (trên địa bàn huyện Thống Nhất)… lâu nay vẫn tồn tại tình trạng chở quá tải, nhưng chưa được xử lý triệt để.
Thượng tá Ngô Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa, cho biết TP.Biên Hòa có lượng lớn các mỏ đá khai thác vật liệu xây dựng dẫn đến khó khăn trong việc bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát. Tại khu vực mỏ đá Tân Cang, mỗi ngày có trên 6 ngàn lượt phương tiện, thời gian kiểm tra mỗi xe phải hơn 20 phút nên rất khó để kiểm soát bằng cân xách tay.
Để xử lý xe chở quá tải, lực lượng chức năng trực “chốt” chặt chẽ tại đường dẫn ra vào các bến, cảng, khu công nghiệp, mỏ đá sẽ kiểm soát được khối lượng hàng hóa có đúng tải hay không. Đây là những đường “độc đạo”, chỉ cần đặt trạm cân lưu động tại đây thì xe chở quá tải khó có “đất” sống.
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm nhấn mạnh, Đồng Nai là địa phương được Bộ Giao thông - vận tải đánh giá cao, thực hiện tốt việc xử lý tình trạng xe chở quá tải. Tuy nhiên, sự phối hợp liên ngành, giữa các địa phương trong thời gian qua vẫn chưa tốt; các phường, xã còn thiếu trách nhiệm trong việc để phát sinh các tuyến đường, khu vực chở quá tải.
Hiện Ban An toàn giao thông tỉnh đã hoàn thành lắp đặt các đường truyền internet và thiết bị tại 23/23 mỏ và khu mỏ vật liệu, đồng thời triển khai cài đặt phần mềm truyền nhận dữ liệu giám sát tải trọng tại 16/23 mỏ. Dự kiến trong tháng 12-2017 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa toàn bộ hệ thống vào hoạt động.
“Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong kiểm soát vận tải sẽ giúp các lực lượng chức năng nhàn hơn, không phải căng sức, dồn quân xử lý xe quá tải trên đường như hiện nay. Kết quả kiểm soát xử lý tại các mỏ phải đồng nhất, sát sao với việc xử lý trên đường thì việc xử lý quá tải mới thành công” - ông Liêm khẳng định.
Thanh Hải