Nhằm đảm bảo tốt quyền con người nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng, đồng thời để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý giam, giữ, Quốc hội khóa XIII vào ngày 25-11-2015 đã thông qua Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Nhằm đảm bảo tốt quyền con người nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng, đồng thời để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý giam, giữ, Quốc hội khóa XIII vào ngày 25-11-2015 đã thông qua Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Người bị tạm giữ, tạm giam được tham gia học tập, lao động (ảnh minh họa). |
* Được thăm gặp thân nhân
Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể những quyền cơ bản nhất của người bị tạm giữ, tạm giam. Trong đó đã bổ sung một số quyền quan trọng của người bị tạm giữ, tạm giam, như: được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình (Điểm a, Khoản 1); được hướng dẫn, giải thích và đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý (Điểm đ, Khoản 1); được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự (Điểm e, Khoản 1); được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam (Điểm g, Khoản 1).
Ông Nguyễn Thành Danh, Trưởng phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết: “Việc xác định rõ các biện pháp để đảm bảo quyền người bị tạm giữ, tạm giam trong luật là bước tiến bộ mới của pháp luật nước ta”.
Đặc biệt, Khoản 1, Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nêu rõ: “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân 1 lần trong 1 tháng”. Thẩm quyền giải quyết thăm gặp do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp và phải thông báo cho cơ quan đang thụ lý án biết. Khi tăng thêm số lần gặp, hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải do cơ quan thụ lý vụ án đồng ý.
“Việc nhận quà của người bị tạm giữ, tạm giam cũng tương đương với việc thăm gặp trong thời hạn tạm giữ và không quá 3 lần/tháng trong thời gian tạm giam” - ông Danh cho biết.
Luật cũng quy định cụ thể trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết thì gia đình có quyền nhận tro cốt, thi hài nếu có đơn yêu cầu. Hình thức hỏa táng cũng được bổ sung vào luật để đảm bảo những khó khăn trong các thành phố lớn về việc chôn cất.
Điều 26 cũng quy định rõ việc người bị tạm giữ, tạm giam đang chết mà trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất được giải quyết theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
* Pháp luật mang tính nhân đạo sâu sắc
Ông Danh cho biết Nghị định 89/1998/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 98/2002/NĐ-CP) ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam quy định diện tích tối thiểu nơi giam giữ (bao gồm: hành lang giữa các nơi nằm, nơi vệ sinh, bể nước) đối với người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/người; còn Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định rõ chỗ nằm của người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/người và phải được cấp chiếu đầy đủ. “Điều này gây ra nhiều khó khăn vì còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất và số lượng người bị tạm giữ, tạm giam của từng nơi giam giữ” - ông Danh nhấn mạnh.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định việc bố trí giam giữ buồng riêng, bao gồm người dưới 18 tuổi; người đồng tính, chuyển giới; phụ nữ mang thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng được xem là quy định mang tính nhân đạo sâu sắc.
Cụ thể, Điều 35 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ mang thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con được đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng theo chỉ dẫn của y sĩ, bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được đảm bảo thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ…; được bố trí chỗ nằm tối thiểu 3m2/người”.
Đối với người chưa đủ 18 tuổi được tăng thêm lượng thịt, cá trong khẩu phần ăn không quá 20% so với quy định; được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự với số lần thăm gặp gấp đôi so với người bị tạm giữ, tạm giam đã thành niên (Khoản 1, Điều 33).
Với người bị kết án tử hình, phải tổ chức buồng riêng hoặc khu riêng để giam giữ. Họ chỉ bị cùm một chân khi vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ. Những người bị kết án tử hình vẫn được hưởng chế độ ăn mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhận quà, gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu như người bị tạm giam khác.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Danh, việc xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ giúp cơ quan chức năng nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác quản lý giam giữ và chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của mình để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Luật cũng thể hiện rõ tính khoan hồng, nhân đạo sâu sắc của Nhà nước đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam, đảm bảo điều kiện để họ có cuộc sống tốt hơn trong các cơ sở giam giữ.
Tố Tâm