Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời nói oan nghiệt, nhát dao vô tình!

07:12, 18/12/2017

 "Cầm dao trên tay, tôi cứ đâm mà không biết mình đã đâm vợ và mẹ vợ bao nhiêu nhát"- lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng (51 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) khiến cả phiên tòa im lặng một cách ngột ngạt.

 “Cầm dao trên tay, tôi cứ đâm mà không biết mình đã đâm vợ và mẹ vợ bao nhiêu nhát”- lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng (51 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) khiến cả phiên tòa im lặng một cách ngột ngạt. Trong khi đó, những người con của bị cáo và bị hại chỉ biết khóc trong nỗi đau tột cùng...

Bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng bị các chiến sĩ công an dẫn giải ra xe chở phạm nhân.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng bị các chiến sĩ công an dẫn giải ra xe chở phạm nhân.

* Rổ rá cạp lại

Theo lời bị cáo Dũng, vào năm 1997, bị cáo làm tài xế lái xe tải cho một công ty tại TP.Hồ Chí Minh, còn bà Phạm Thị Kiều (vợ bị cáo) làm công nhân trong công ty này. Mỗi ngày đi làm, cả 2 đều nói chuyện và hiểu được hoàn cảnh của nhau nên Dũng đem lòng yêu thương bà Kiều. Ngày ấy bà Kiều mới ly dị chồng, ôm con nhỏ đi thuê phòng trọ sống riêng; còn bị cáo Dũng đã chia tay vợ khi con mới được 3 tuổi.

Yêu nhau bởi sự cảm thông và chia sẻ, bởi những lo toan và hoàn cảnh đổ vỡ trong hôn nhân nên cả 2 về chung sống với nhau như vợ chồng mà không làm giấy đăng ký kết hôn. Sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh được một thời gian thì cả 2 về xã Phú Hữu sống cùng bà Lý Thị Hồng (mẹ bà Kiều).

Vợ chồng sống hạnh phúc với nhau cho đến khi người con chung lớn lên thì bà Kiều sang Malaysia làm việc để kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Mỗi đợt đi vài năm, nhưng khoảng 6 tháng bà Kiều lại về nước thăm gia đình. Năm 2017, bà Kiều về thăm gia đình và sau đó tiếp tục qua Malaysia làm việc.

Ngày 18-6, thấy vợ đang dọn hành lý chuẩn bị đi Malaysia, bị cáo Dũng hỏi đi đến khi nào về thì bà Kiều đáp: “Không biết bao giờ về, có thể ở lại bên đó lấy chồng luôn”.

Câu nói của vợ khiến bị cáo Dũng nổi cơn ghen tuông và lấy dao đâm bà Kiều nhiều nhát cho đến khi nạn nhân tử vong.

Nghe tiếng con gái kêu cứu, bà Hồng chạy vào thì bị Dũng đâm nhiều nhát dẫn đến tử vong tại chỗ.

Phát hiện việc cha đâm chết mẹ và bà ngoại, con gái của bị cáo Dũng đã trình báo cơ quan công an và bị cáo đã bị bắt giữ sau đó.

* Nỗi đau người ở lại

Phiên tòa xét xử vụ án từng làm kinh động cả một vùng quê bình yên diễn ra chưa đầy 2 giờ. Đôi mắt sắc lạnh, nước da nhìn trắng nhợt, bị cáo Dũng khai việc giết bà Hồng là do mâu thuẫn từ trước. Khi dọn về sống chung nhà bà Hồng, giữa Dũng và mẹ vợ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên Dũng nuôi hận trong lòng và nảy sinh ý định giết bà Hồng từ trước.

“Vợ bị cáo thường xuyên đi ra nước ngoài, khi về lại nói sẽ lấy chồng ở bên đó nên trong lúc nóng giận nhất thời bị cáo đã đâm chết vợ. Hành vi của bị cáo giống như cáo trạng nêu, không có gì khác” - bị cáo thản nhiên trả lời khi được vị chủ tọa phiên tòa chất vấn.

Nghe những lời cha khai báo trước tòa, những giọt nước mắt cứ tuôn trào trên khuôn mặt L. (con của bị cáo Dũng và bà Kiều). Chị L. phải chứng kiến cảnh cha dùng dao đâm chết mẹ và bà ngoại. Chỉ trong vài phút, người con ấy bị mất đi những người thân yêu nhất.

Nặng nhọc bước chân đến dự tòa với vai trò nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi đang mang thai, chị L. chỉ  nói đúng 2 câu: “Xin tòa xét xử theo pháp luật. Tôi không có gì để tranh luận”.

Trước hành vi mất nhân tính của cha, trước sự căm phẫn của gia đình và người dân địa phương, chị L. dường như không có sự lựa chọn nào cho việc xin tòa xem xét xử mức án nhẹ cho cha. Tại phiên tòa hôm ấy, chị L. không hề nói với cha vài câu như việc người thân gặp lại.

Đối mặt với bản án tử hình, bị cáo Dũng có nói với chúng tôi: “Tôi không còn sợ cái chết, bởi tôi tự lường trước được hành vi của mình không đáng được sống, mà có sống cũng chỉ là những tháng ngày giày vò bởi bản án lương tâm. Tôi chỉ hối hận bởi sự nóng giận của mình đã gây cho người thân và các con những nỗi ám ảnh, những mất mát và tổn thương quá lớn”.

Người chết cũng đã chết, kẻ lãnh án tử hình rồi cũng sẽ đến ngày thi hành án, riêng những người ở lại cứ ám ảnh mãi bởi những lỗi lầm của bị cáo.

Nghe tòa tuyên án tử hình, bị cáo gật gật đầu, đôi môi mím chặt như chấp nhận sự trừng phạt mà mình đáng phải nhận. Bị cáo không xin được sống mà chỉ xin được hiến xác coi như bù đắp lại những lỗi lầm đã gây ra, nhưng điều đó dường như quá muộn.

Bị các chiến sĩ công an dẫn giải đi giữa đám đông người dự tòa hôm ấy, bị cáo Dũng cố nhón chân lên để tìm con gái trong đám đông coi như gặp mặt một lần nhưng vẫn không thấy. Phiên tòa đã kết thúc, chỉ còn lại nỗi đau cứ ám ảnh người ở lại mãi về sau.

Tố Tâm

Tin xem nhiều