Báo Đồng Nai điện tử
En

Trao quyền pháp lý cho người yếu thế

09:11, 02/11/2017

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Vòng Khiềng, cho biết với nhiều phương thức phối hợp,  hiện Trung tâm đang ngày càng làm tốt mục tiêu "tăng cường trao quyền pháp lý cho người yếu thế".

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, cho biết với nhiều phương thức phối hợp và hình thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý tại các điểm cố định và lưu động, Trung tâm tư vấn pháp luật ngày càng làm tốt mục tiêu “tăng cường trao quyền pháp lý cho người yếu thế”.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (bìa phải) tư vấn pháp luật cho nông dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch).
Luật sư Lưu Hồng Khanh (bìa phải) tư vấn pháp luật cho nông dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch).

Đối tượng yếu thế được Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh xác định hỗ trợ pháp lý miễn phí, gồm: người nhiễm HIV/AIDS, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em... Câu chuyện pháp lý của họ chính là sự trăn trở của cộng đồng, xã hội.

Những chuyến đi

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, tâm sự chính những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa ở các xã trong tỉnh, Hội đã gợi ý Trung tâm tư vấn pháp luật xây dựng dự án tổ chức kết hợp phổ biến pháp luật với tư vấn và trợ giúp pháp lý lưu động cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo... Nhờ đó, khái niệm “trao quyền pháp lý cho người yếu thế” của Hội và trung tâm được người dân biết, tiếp cận ngày càng nhiều.

Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh có 10 luật gia, luật sư và 6 cộng tác viên. Luật gia Vòng Khiềng bày tỏ hoạt động của trung tâm hoàn toàn trên tinh thần thiện nguyện (không thu phí), đội ngũ luật sư, luật gia, công tác viên của trung tâm không hưởng lương hay thù lao từ nguồn ngân sách. Tuy vậy, họ sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng yếu thế theo đề xuất và quy chế phối hợp giữa Hội Luật gia tỉnh với các đơn vị, địa phương.

Đồng bào dân tộc Chơro ở ấp Bon Gõ (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) bấy lâu nay yên ổn trên khu đất định canh - định cư do Nhà nước cấp. Nay các con đến tuổi khôn lớn, muốn tách hộ ra lập vườn thì vướng phải câu chuyện quyền sử dụng đất của các hộ đều do một mình già làng đứng tên. Lý do già làng của buôn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tập thể  hoàn toàn không phải do ý của già làng.

Luật gia Vòng Khiềng cho hay, vì sợ đồng bào được cấp đất định canh - định cư rồi bán nên chính quyền vận động già làng đứng tên hộ để nhằm quản lý tốt nhất toàn bộ diện tích đất này.

Tuy nhiên, dưới góc độ của pháp luật và nhu cầu thực tiễn sử dụng đất của người dân, các luật gia, luật sư ở trung tâm tư vấn đã kịp thời phối hợp với già làng và chính quyền xã kiến nghị huyện tháo gỡ. Hiện các hộ đồng bào Chơro ở ấp Bon Gõ đang được huyện hỗ trợ kinh phí đo đạc và triển khai cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân.

Những chuyến về các xã: Phú Bình (huyện Tân Phú), Phú Điền (huyện Tân Phú), Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch)..., cho dù trời mưa bão các luật gia, luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh vẫn nhiệt tình lắng nghe câu chuyện pháp lý của người dân nơi chiếc bàn kê tạm ngoài hội trường.

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, tuyên truyền pháp luật cho nông dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch)
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, tuyên truyền pháp luật cho nông dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch)

“Sau buổi tư vấn này, Hội và Trung tâm tư vấn pháp luật sẽ tiếp tục hỗ trợ pháp lý miễn phí cho bà con nếu bà con có nhu cầu” - luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, chủ động đặt vấn đề với người dân khi các buổi tư vấn, hỗ trợ pháp lý kết thúc.

Tinh thần thiện nguyện

Luật gia Nguyễn Đức cho biết người nghèo về vật chất ngày càng được địa phương, xã hội quan tâm. Tuy nhiên, cái nghèo về pháp lý thì phần quà, bao gạo, vật nuôi... từ các nhà hảo tâm không thể lo được, mà cần có đội ngũ những người có kinh nghiệm về pháp luật hỗ trợ thường xuyên. Đó là lý do ông tâm huyết với hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế; cho dù những chuyến đi ấy Hội Luật gia tỉnh chỉ đủ kinh phí lo tiền xe cho đội ngũ luật gia, luật sư.

Luật sư Ngô Văn Định bày tỏ, nội dung và hoạt động chủ yếu của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh là tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế. Đối tượng này không có điều kiện tiếp cận dịch vụ pháp lý để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình khi phát sinh sự kiện pháp lý. Trung tâm cũng chú trọng đến đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, như: người đồng tính, mại dâm, nhiễm HIV/AIDS… để hỗ trợ cho họ.

Từ chỗ chỉ có một địa điểm tư vấn pháp luật tại trụ sở Văn phòng Hội Luật gia tỉnh và 5 điểm tư vấn pháp luật tại các địa điểm ở TP.Biên Hòa khi được thành lập vào năm 2005, đến nay Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh có 14 điểm tư vấn cố định tại các địa phương, đơn vị. Tại các điểm tư vấn đều được cử luật sư, luật gia có kinh nghiệm trực tiếp dân, giải đáp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cả trong và ngoài tố tụng.

Từ hiệu quả các điểm tư vấn, các luật gia, luật sư bắt đầu phối hợp với các địa phương, các ngành, như: Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh... tổ chức những chuyến đi về các ấp, xã tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí. “Chúng tôi đi với tinh thần thiện nguyện và hành động, bảo vệ người yếu thế hết mình khi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ bị xâm hại” - luật gia Vòng Khiềng bày tỏ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều