Theo các chuyên gia pháp lý, việc nhận diện các hành vi bạo hành trẻ em dễ nhận thấy nhất qua các hình thức: bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần.
Theo các chuyên gia pháp lý, việc nhận diện các hành vi bạo hành trẻ em dễ nhận thấy nhất qua các hình thức: bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần.
- Bạo hành thể xác: Là hình thức bạo hành dễ nhận diện nhất trong mọi hình thức bạo hành. Những tổn thương này có thể chữa lành, có thể đo lường được và dễ dàng xác định có đúng là bạo hành hay không. Ngược đãi thể chất bao giờ cũng để lại các dấu vết trên cơ thể trẻ. Thế nhưng, thông thường trẻ có khuynh hướng giấu giếm vết tích vì sợ người khác nhìn thấy. Do đó, trẻ không dám tố cáo người đánh đập mình, nhất là khi người đó là cha mẹ hay người trực tiếp chăm nom.
- Bạo hành tình dục: Hình thức bạo hành này có thể nhận biết qua nhiều dạng khác nhau; từ mức tội phạm cao nhất là bắt cóc, hiếp dâm, giết chết, đến những hình thức ít độc ác hơn như quấy rối bằng hành động hay lời nói… Cho dù thế nào, mức độ ghê tởm đều như nhau khi người lớn lạm dụng thế mạnh để áp đặt quan hệ tình dục với trẻ em và buộc trẻ phải che giấu sự thật là đã bị xâm hại. Ngày nay, mối nguy từ tội phạm tình dục đối với trẻ em càng đáng ngại, theo đà phát triển của internet.
- Bạo hành tinh thần: Hành vi này không dễ dàng xác định đó là bạo hành tinh thần hay bạo hành về mặt tâm lý. Càng khó phân định nếu trong xã hội coi trọng lối giáo dục “thương cho roi cho vọt”, vì một số người quan niệm đó là hành vi ứng xử rất bình thường trong xã hội.
Thật vậy, đến nay vẫn còn có người cho rằng việc nhốt một đứa trẻ vào buồng tắm hay vào tủ quần áo đóng kín tối đen là một hình phạt thông thường, chẳng có gì đáng tranh cãi. Cần hiểu rõ rằng, đó đích thị là bạo hành về tâm lý. Ngoài ra, lời chửi bới, lăng nhục ám chỉ tới trình độ học vấn, về ngoại hình, sức khỏe, về khả năng trí tuệ mà người lớn dùng để “tấn công” trẻ nhỏ cũng được coi là một kiểu hành vi bạo hành tâm lý.
Diễm Quỳnh