Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga

08:10, 21/10/2017

Năm nay vừa đúng 100 năm ngày nổ ra cuộc cách mạng "rung chuyển thế giới" (chữ dùng của nhà báo người Mỹ John Reed trong tác phẩm Mười ngày rung chuyển thế giới).

Năm nay vừa đúng 100 năm ngày nổ ra cuộc cách mạng “rung chuyển thế giới” (chữ dùng của nhà báo người Mỹ John Reed trong tác phẩm Mười ngày rung chuyển thế giới). 100 năm đã trôi qua, nhất là từ khi chế độ cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, người ta đã gán cho cuộc cách mạng này rất nhiều “tội lỗi”. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn đang bình tâm để đánh giá một cách khách quan, trung thực về cuộc cách mạng vĩ đại này.

Cách mạng tháng Mười Nga (1917) vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
Cách mạng tháng Mười Nga (1917) vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

 


Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng lần đầu tiên trên thế giới đã giành chính quyền về tay nhân dân lao động, xóa bỏ chế độ người bóc lột người; xây dựng xã hội công bằng, dân chủ. Đối với nhân dân Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đây “cẩm nang thần kỳ” là con đường cứu nước...

* Cuộc cách mạng đem lại lợi ích cho nhân dân nga


Giới chính khách và học giả trên thế giới ngày càng có những nhìn nhận, đánh giá trung thực hơn giá trị chân lý và lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. A.Dinoviev, một người từng chống đối Nhà nước Xô viết và sau đó bị ngồi tù dưới thời Liên Xô, sống lưu vong tại Mỹ, cho rằng: “Những thành tựu của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết do Lênin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người... Nhờ có cuộc cách mạng vô sản và tất cả những gì gắn liền với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hóa”.

Tổng thống Nga Putin từng phát biểu: “Những ai muốn phủ nhận hoàn toàn những thành quả của chế độ Xô-viết, người ấy không có trái tim”. Khi được hỏi vì sao ông ủng hộ việc sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô cho bản quốc ca mới của Liên bang Nga, ông đã trả lời: “Ai không tiếc vì sự đổ vỡ của Liên bang Xô - viết, người ấy không có trái tim. Còn ai muốn tái lập nó giống y như cũ, người đó không có khối óc”.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga năm 2007, Chủ tịch Thượng viện Nga Sergei Mironov, trong bài viết ngày 31-10-2007 trên tờ Báo Nga đã nêu: Đại thi hào Nga Puskin trong thư gửi Chaadayev (một nhà tư tưởng và chính luận Nga) từng viết: dẫu trong đời sống nước Nga có nhiều vấn đề làm nhà thơ đau buồn, thậm chí bị xúc phạm, nhưng không vì bất kỳ điều gì trên thế giới này mà nhà thơ “muốn thay đổi Tổ quốc, hay muốn có những trang sử khác với lịch sử của tổ tiên”. Tất cả cần có một thái độ như vậy đối với Cách mạng tháng Mười 1917 và toàn bộ thời kỳ Xô-viết sau đó.

Ông Mironov cũng cho rằng với “Hòa bình cho các dân tộc”, “Ruộng đất cho nông dân”, “Bánh mì cho người đói”, “Tự do cho người nô lệ”..., ai có thể nói tự thân những câu khẩu hiệu phản ánh nhu cầu của đại đa số quần chúng này lại không đúng và thấu đạo lý?.

Một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào ngày 12-1-2008 của Trung tâm phân tích Levada cho thấy: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% người được hỏi tin tưởng cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga; 31% cho rằng cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Trong khi đó, số người cho rằng Cách mạng tháng Mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%. Những người cho Cách mạng tháng Mười Nga là một tai họa đối với họ chỉ có 15%.

Một sự kiện không thể không nhắc tới là vào ngày 6-12-2016, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về việc tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Nga, Bộ Văn hóa Nga có trách nhiệm tổ chức các sự kiện kỷ niệm nhân dịp này.

Trên trang mạng chính thức, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Liên bang Nga ra tuyên bố: “Các sự kiện trong tháng 10-1917 không chỉ làm rung chuyển thế giới bởi quy mô và sự vĩ đại của nó, mà còn đặt nền móng cho sự duy trì, phát triển ổn định và tiến bộ của thế giới, hướng tới sự chấm dứt nạn bóc lột giữa người với người, xây dựng một xã hội công bằng và chủ nghĩa xã hội. Việc đưa ra những giải pháp để vượt qua các thách thức to lớn trong thế kỷ XX, Cách mạng tháng Mười vĩ đại đã chứng minh cho thế giới sức sống của chủ nghĩa xã hội: Cách mạng tháng Mười đã biến một cuộc chiến tranh đế quốc thành một cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp, đánh dấu sự khởi đầu của một phong trào quần chúng vì chủ nghĩa xã hội ở khắp nơi trên thế giới. Cách mạng tháng Mười đã đánh bại hình thức phản động nhất của chủ nghĩa đế quốc, đó là chủ nghĩa phát xít. Cách mạng Tháng Mười đã phá hủy hệ thống thuộc địa trên thế giới, mở đường cho sự phát triển bình đẳng của mọi người dân thuộc các sắc tộc và tín ngưỡng khác nhau. Cách mạng tháng Mười đã chiếu sáng con đường của nhân loại tiến vào kỷ nguyên thám hiểm không gian vũ trụ. Cách mạng tháng Mười đã tạo ra con đường để khai thác năng lượng hạt nhân và sử dụng nó vào mục đích hòa bình. Cách mạng tháng Mười mở ra cho mọi người con đường phía trước, hướng tới hòa bình và tiến bộ”.

 * Vẫn giữ nguyên giá trị

Chừng nào thế giới vẫn còn đầy rẫy bất công, những người lao động vẫn còn bị bóc lột và đối xử tàn tệ, khi ấy lý tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị. Thế giới sẽ tiếp tục đổi thay, nhưng lý tưởng cao đẹp mà Cách mạng tháng Mười Nga vạch ra 100 năm trước vẫn là khát vọng, là ước mơ cháy bỏng của loài người, vẫn sống mãi.

 

Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực chống cộng trên thế giới đã hô hoảng về sự cáo chung của chủ nghĩa Mác. Người ta gán cho Mác rất nhiều sai lầm. Các nhà tư tưởng, các nhà chính trị của tư sản vội vã lên tiếng rêu rao về sự diệt vong của chủ nghĩa cộng sản. Có người còn lớn tiếng về “sự tận cùng của lịch sử”.

Để chống phá, xuyên tạc hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, nhiều người thường dẫn ra những sai lầm, khuyết điểm mà Liên Xô và Đông Âu vấp phải trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong thời đại tiến bộ vượt bậc hiện nay của nền văn minh nhân loại, cũng có những quan điểm cho rằng kinh tế tri thức, thời đại công nghệ thông tin không dung nạp chủ nghĩa xã hội. Lý do mà họ đưa ra là nhiều chủ tư bản như Bill Gates chẳng hạn có bóc lột đâu, ngược lại ông còn đóng góp rất nhiều cho các quỹ từ thiện, nhân đạo. Họ cũng cho rằng cái gì tốt sẽ được chấp nhận và tồn tại, cái gì không phù hợp sẽ bị lỗi thời và tẩy chay, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới sụp đổ, chứng tỏ học thuyết Mác là sai lầm.

Trong thực tế hiện nay, mặc dù phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, song rõ ràng đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế - một mô hình máy móc, rập khuôn, không đúng với bản chất của chủ nghĩa Mác chứ không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng. Chủ nghĩa xã hội vẫn đang có sức hấp dẫn chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh. Thực tế cho thấy, những tư tưởng của Mác vẫn còn nguyên giá trị.

Sở dĩ tư tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn có sức sống lâu bền và giá trị to lớn bởi nội dung của nó mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc. Những người sáng lập chủ nghĩa Mác đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để luận giải một cách khoa học về quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, đặc biệt là học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; về vị trí và ý nghĩa quan trọng của sản xuất vật chất cũng như vai trò của kiến trúc thượng tầng; về quá trình phát sinh, phát triển và sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong đấu tranh nhằm xây dựng một xã hội tương lai tốt đẹp.

Trong tác phẩm Tại sao Mác đúng?, giáo sư Đại học tổng hợp Lancaste (Anh) T.Eagleton, đã chứng minh sự phê phán của Mác đối với chủ nghĩa tư bản vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù chủ nghĩa tư bản có thay đổi nhất định. Những hiện tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại như tư bản thương mại, tư bản độc quyền, toàn cầu hóa... đã được Mác nhìn thấy trước trong các phê phán của mình. Trong tác phẩm này, T.Eagleton cũng đồng thời vạch rõ chủ nghĩa tư bản dù có lúc đạt được hiệu quả, nhưng nó đã làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó là sự mất tự do được ngụy tạo bằng tự do, là bất công trong tình cảnh phân biệt giàu nghèo gia tăng, là nạn diệt chủng và phân biệt chủng tộc, là cưỡng bức, tước đoạt, áp đặt, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, “là vô trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại. Tức là con đường tư bản chủ nghĩa đang đi cũng là đang đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh này”.

Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng nhờ Mác mà chủ nghĩa tư bản đã điều chỉnh rất nhiều phương pháp và cách thức hoạt động của nó - cái mà ngày nay gọi là chủ nghĩa tư bản thích nghi. Mặc dù nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển đến một trình độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ, nhưng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn diễn ra hết sức gay gắt. Chủ nghĩa tư bản đã phải thường xuyên đương đầu với những cuộc khủng hoảng nặng nề, với nhiều nguy cơ suy thoái và nạn thất nghiệp của hàng chục triệu người. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mặc dù hiện đang đứng trước những thử thách nặng nề, nhưng nhìn toàn cục của sự phát triển lực lượng sản xuất vẫn đang bị những tiền đề khách quan để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.

Vũ Trung Kiên

(Học viện Chính trị khu vực II)

Tin xem nhiều