Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nhà nông thắc mắc pháp luật

11:07, 19/07/2017

Câu chuyện gỡ rối pháp lý cho các nông dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) của các luật sư, luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh tạm lắng xuống để UBND xã Phú Thạnh dành 30 phút tuyên truyền về vấn đề môi trường. Tuy vậy, ông Trần Văn Ba (ngụ ấp 1) vẫn cảm thấy sốt ruột vì đang  cần được các luật sư, luật gia giải đáp thỏa đáng.

Câu chuyện gỡ rối pháp lý cho các nông dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) của các luật sư, luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh tạm lắng xuống để UBND xã Phú Thạnh dành 30 phút tuyên truyền về vấn đề môi trường. Tuy vậy, ông Trần Văn Ba (ngụ ấp 1) vẫn cảm thấy sốt ruột vì đang  cần được các luật sư, luật gia giải đáp thỏa đáng.

Nông dân xã Phú Thạnh nhờ các luật gia, luật sư của Hội Luật gia tỉnh gỡ rối pháp lý vào sáng 16-7.
Nông dân xã Phú Thạnh nhờ các luật gia, luật sư của Hội Luật gia tỉnh gỡ rối pháp lý vào sáng 16-7.

* Chuyện nhà nông

Ông Nguyễn Thành Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thạnh, bày tỏ việc đoàn công tác của Hội Luật gia tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nông dân xã Phú Thạnh rất cần thiết. Qua các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý như vậy, người dân sẽ nắm bắt được nhiều vấn đề pháp lý cụ thể, giảm bớt thắc mắc, khiếu nại phát sinh trong cuộc sống.

Ông Ba trình bày, cha mẹ ông có 6 công ruộng. Trước khi mất, cha mẹ ông đã phân chia như sau: ông là con út được 2 công đất, 4 công còn lại được chia đều cho 4 anh em khác. Sau khi cha mẹ qua đời, các anh em của ông ủy quyền cho ông đi đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên ông. Sau khi có sổ đỏ, ông sẽ tiến hành tách sổ và chia đất cho các anh em như lời cha mẹ dặn và đã cam kết với nhau trước đó. Vậy mà không hiểu sao đến nay ông vẫn chưa được cấp sổ đỏ, dù ông đã hoàn tất các thủ tục đúng quy định và hướng dẫn của cán bộ địa chính.

Điều thắc mắc của ông Ba được luật gia Lê Văn Nhân giải đáp: do hồ sơ của ông vẫn còn trong giai đoạn chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp sổ đỏ; khi hết thời gian chờ theo phiếu hẹn mà không được cấp sổ đỏ thì ông có quyền khiếu nại. Nếu cơ quan chức năng trả lời không thỏa đáng lý do chậm cấp hoặc không cấp sổ đỏ, ông có quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền cao hơn, hoặc khởi kiện ra tòa.

Tại bàn tư vấn khác, bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ ấp 1) trình bày với luật sư Lưu Hồng Khanh rằng: “Cha mẹ chồng tôi khi mất có để lại thừa kế cho chồng tôi mảnh đất. Trên mảnh đất này có 2 ngôi mộ của ông bà nên khi vợ chồng tôi muốn bán đất, người mua yêu cầu phải bốc 2 ngôi mộ đi thì họ mới mua. Vậy vợ chồng tôi có quyền được bốc mộ hay không?”.

“Khu đất trên thuộc quyền thừa kế của vợ chồng bà nên vợ chồng bà có quyền chuyển nhượng cho người khác. Còn về 2 ngôi mộ ông bà, nếu vợ chồng bà muốn bốc thì phải được sự đồng ý của mọi người trong gia tộc, do khu vực đất chôn 2 ngôi mộ thuộc đất hương hỏa của dòng tộc. Khi mọi người trong gia tộc đồng ý, vợ chồng bà mới được quyền bốc mộ và chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho người khác” - luật sư Khanh giải đáp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lời (ngụ ấp 3) đứng lên trình bày trước hội trường chuyện tranh chấp giữa gia đình bà như sau: “Đất đang tranh chấp giữa những người trong gia đình với nhau, chưa được tòa án giải quyết ngã ngũ thì một trong số những người tranh chấp đứng ra bán đất cho người khác, như vậy có được không?”.

Luật sư Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tuyên truyền, tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh, trả lời với bà Lời và các nông dân khác rằng, việc chuyển nhượng đất giữa người bán và người mua trong trường hợp này trái với quy định của Luật Đất đai, Luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Do đó, bà Lời có quyền khởi kiện ra tòa việc chuyển nhượng trái pháp luật giữa người mua và người bán.

* Khi ruộng thành nhà

Qua các thắc mắc của nông dân xã Phú Thạnh với đoàn tuyên truyền, tư vấn pháp lý của Hội Luật gia tỉnh, các nông dân cho rằng khi các  cụm công nghiệp, khu dân cư chưa xuất hiện trên địa bàn thì nông dân xã Phú Thạnh luôn tự hào vì sống chan hòa tình cảm bên những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Nông dân lúc ấy chẳng cần biết đất mình thuộc tờ bản đồ nào, ruộng có hay không có sổ “điền thổ” và hồn nhiên lấy bờ ruộng, bờ kênh làm ranh giới; thậm chí thấy hàng xóm nghèo ham đất thì hào phóng cho luôn hàng ranh, bờ bao, ao trũng để ruộng vườn hàng xóm thẳng hàng, đẹp mắt. Còn những bậc làm cha mẹ thì tùy ý tặng, cho con đất đai bao nhiêu vẫn không xảy ra điều đố kỵ trong gia đình.

Nay ruộng đồng thành nhà, khu dân cư và đất đai giá trị tiền tỷ, thì phát sinh chuyện tranh chấp bờ ranh, tấc đất, lối đi là chuyện khó tránh khỏi giữa hàng xóm và cả anh em một nhà. Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai hiện vẫn còn nhiều bất cập, phát sinh nhiều vấn đề thủ tục phức tạp, rườm rà, gây khó dễ cho người dân trong quá trình chuyển nhượng, tách thửa, xây cất nhà ở…

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho hay do khuôn khổ chuyến công tác của đoàn bị giới hạn về thời gian nên các luật gia, luật sư chỉ tư vấn, giải thích gút mắc pháp lý cho bà con nông dân về những vấn đề chung, rất khó giải đáp cặn kẽ từng vấn đề, sự việc cụ thể của cá nhân; còn nội dung tuyên truyền về Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Đất đai…, đoàn cũng phải chọn những vấn đề cốt lõi, phù hợp để nói.

Cũng theo luật gia Nguyễn Đức, với các nông dân hiểu biết còn hạn chế về mặt pháp luật, việc dùng ngôn từ pháp lý dễ nhớ, dễ hiểu để gỡ rối tình huống cho họ phải mất nhiều thời gian thì họ mới hiểu. Nếu  dẫn luật này đến luật nọ để giải thích càng làm cho họ rối mù hơn. “Việc các nông dân không cung cấp đầy đủ các chứng cứ, giấy tờ có liên quan đến vấn đề cần giải đáp cũng gây khó khăn cho các luật gia, luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho họ một cách chính xác, cụ thể, rành mạch” - luật gia Nguyễn Đức nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều