Theo đánh giá của một cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, các vụ án do người chưa thành niên phạm tội thực hiện đã tăng rõ rệt về số lượng, có chiều hướng diễn biến phức tạp,...
Theo đánh giá của một cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, các vụ án do người chưa thành niên phạm tội thực hiện đã tăng rõ rệt về số lượng, có chiều hướng diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm táo bạo, liều lĩnh và một số gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet |
* Trẻ vị thành niên phạm tội
Việc giáo dục trẻ không đúng từ trong gia đình và nhà trường mới là yếu tố gây nên tình trạng trẻ sớm phạm tội. Trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình có tư tưởng chống đối xã hội, gia đình bị khiếm khuyết (thiếu cha mẹ), cha mẹ bỏ bê con cái thì vô hình trung trẻ bị định hình những tư tưởng tiêu cực, chống đối, đi ngược với lợi ích xã hội, từ đó sớm dẫn trẻ vào con đường phạm pháp. Hơn nữa, do không được kiểm soát chặt chẽ nên trẻ sớm bị ảnh hưởng bởi phim ảnh đồi trụy, game bạo lực, tệ nạn xã hội… |
Ngày 3-5, trên đường đi nhậu về đến địa bàn KP.1, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), Võ Thị Thảo Trinh (21 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã gây mâu thuẫn, xô xát với anh Nguyễn Minh Tuấn (23 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom).
Được Trinh gọi điện nhờ hỗ trợ, Nguyễn Đức Hậu (18 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom) và Lê Văn Trường (16 tuổi, ngụ xã Sông Trầu) đã đến hiện trường đánh chết anh Tuấn, rồi vướng vòng lao lý ở tuổi vị thành niên.
Trước đó, vào ngày 11-3, trong lúc lưu thông đến đoạn đường thuộc ấp Đồng Xoài (xã Túc Trưng, huyện Định Quán), xe máy của anh Điểu Minh Sơn (24 tuổi, ngụ xã Túc Trưng) đã va chạm với xe đạp do Huỳnh Thế Thái (16 tuổi, ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán) điều khiển theo chiều ngược lại. Trong lúc 2 bên nói chuyện qua lại, Thái đã rút con dao nhọn giấu trong người ra đâm vào cổ anh Sơn khiến nạn nhân tử vong. Được biết, mới 16 tuổi nhưng Thái đã sớm bỏ học và thường tụ tập chơi bời với các nhóm bạn sống lang thang.
Sau khi ra tù, Tống Thanh Luận (24 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom) đã lôi kéo 6 trẻ vị thành niên bỏ nhà đi sống lang thang, để lập nhóm đi trộm cắp tài sản.
Dưới sự chỉ đạo của Luân, chỉ trong 2 tháng nhóm này đã thực hiện trót lọt 8 vụ trộm cắp tài sản…
* Phòng ngừa trẻ phạm tội
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2010-2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 1,8 ngàn vụ vi phạm pháp luật do hơn 2,3 ngàn đối tượng là người chưa thành niên thực hiện, liên quan đến các tội phạm, như: trộm cắp tài sản; cướp tài sản; cướp giật tài sản; cố ý gây thương tích; giết người…
Phân tích về tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng gia tăng, Trung tá, TS.Bùi Thành Chung, Phó trưởng phòng PC45, cho biết nguyên nhân ban đầu là do tâm lý tiêu cực tuổi vị thành niên. Giai đoạn tuổi từ 13-17, tâm lý trẻ có những biến đổi đặc biệt và không ổn định; trẻ có xu hướng muốn khẳng định mình, muốn thoát ra khỏi sự bao bọc của gia đình và thể hiện bản thân. Ở độ tuổi này, trẻ dễ bị kích động, thiếu kiềm chế và thể hiện sự liều lĩnh của bản thân để chứng tỏ mình hơn người.
Tại hội thảo khoa học bàn về giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật do Trường Giáo dưỡng số 4 (thuộc Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Long Thành) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào ngày 28-5, các chuyên gia tâm lý về tội phạm học đều đưa ra những giải pháp tích cực nhằm kéo giảm trẻ vị thành niên phạm tội.
Trong đó, ngoài việc phải giáo dục cho trẻ những kỹ năng sống và kiến thức xã hội, pháp luật cần thiết thì việc nâng cao nhận thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ cho các bậc phụ huynh, giáo viên mới là vấn đề đáng quan tâm, như: kỹ năng giao tiếp với con; kỹ năng thấu hiểu tâm lý con; kỹ năng giúp con ứng phó với các vấn đề về cuộc sống…, đặc biệt là luôn nói không với bạo lực trong gia đình và học đường.
TS.Đoàn Văn Báu, Phó trưởng khoa Tâm lý Trường đại học an ninh nhân dân, cho rằng việc chung tay, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội hết sức cần thiết để giúp trẻ vị thành niên nhận thức được hành vi của bản thân.
“Gia đình phải nắm vững đặc điểm tâm lý lứa tuổi chưa thành niên để có biện pháp giáo dục, quản lý con em phù hợp. Nhà trường cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật; còn cơ quan chuyên trách phải thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội đối với hành vi phạm pháp hình sự” - TS. Báu khuyến cáo.
Tố Tâm