Việc lạm dụng rượu, bia không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, phá vỡ hạnh phúc gia đình mà có thể đe dọa sự bình yên của xã hội.
Đối tượng Trần Kỳ Anh (bìa trái) cùng đồng bọn trong vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa). (Ảnh do Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh cung cấp) |
Việc lạm dụng rượu, bia không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, phá vỡ hạnh phúc gia đình mà có thể đe dọa sự bình yên của xã hội.
Đáng nói là tình trạng lạm dụng rượu, bia ngày càng phức tạp; thống kê từ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Công an tỉnh thời gian qua phần nào nói lên điều đó.
* Từ gây tai nạn đến giết người
Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh đang điều tra làm rõ vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng xảy ra đêm 26, rạng sáng 27-8-2016 tại KP.5, phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), do Trần Kỳ Anh (24 tuổi, tạm trú phường Tam Hiệp) cùng đồng bọn gây ra.
Tối 26-8-2016, sau khi dự sinh nhật bạn, Kỳ Anh tiếp tục làm “tăng 2”. Đến 23 giờ, Kỳ Anh chở bạn đến nhà Nguyễn Hoàng Tuấn ở KP.5, phường Tam Hiệp đòi lại lục lạc đã cho mượn trước đó. Tại đây, Kỳ Anh nảy sinh mâu thuẫn với Nguyễn Thanh Thuận (anh của Tuấn) và hai bên đã tập hợp đồng bọn, chuẩn bị hung khí hẹn điểm đánh nhau, khiến Huỳnh Như Dũng (trong nhóm Thuận) bị đâm chết.
Đó chỉ là một trong số hơn 120 vụ giết người do đối tượng sử dụng rượu, bia trước khi gây án mà PC45 thống kê qua điều tra các vụ án trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến nay. Trung bình mỗi năm, số vụ giết người xuất phát từ sử dụng rượu, bia chiếm tới 25% tổng số các vụ án giết người.
Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ giết người do nguyên nhân say rượu, bia. Tổng kết từ cơ quan chức năng còn cho thấy, số vụ giết người có liên quan đến rượu, bia tăng qua từng năm, đối tượng gây án có tuổi đời từ 16-30 chiếm tới 70%.
Theo Trung tá Mai Ngọc Lượng, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân (PC45), có nhiều vụ giết người xuất phát từ chuyện nhỏ trong lúc nhậu, như: ăn mồi nhiều, khích bác nhau, nhìn đểu… Một đối tượng uống rượu, bia gây sự với đối tượng khác, nhóm khác cùng ngồi uống rượu, nhưng sau đó về kéo băng nhóm thanh toán nhau… rất khó lường.
Việc sử dụng rượu, bia quá mức, không kiểm soát được bản thân còn gây ra nhiều vụ phạm pháp hình sự khác, như: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bạo lực gia đình, vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Từ năm 2014-2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 723 vụ cố ý gây thương tích, nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia chiếm 61%; 13 vụ gây rối trật tự công cộng, có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia chiếm 30%.
Ngoài ra, người uống rượu, bia quá mức cho phép khi điều khiển xe tham gia giao thông không làm chủ bản thân, thường: lấn tuyến, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu, tông xe vào người khác, khiến nhiều người thiệt mạng oan uổng.
* Phòng ngừa tác hại từ rượu bia
Theo Trung tá Mai Ngọc Lượng, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân (PC45), nguyên nhân chính dẫn đến các vụ án giết người trong giới trẻ chiếm tỷ lệ cao là do việc quản lý, giáo dục con em về tác hại của rượu, bia và sự kiềm chế bản thân, tránh bốc đồng khi uống rượu, bia ở bậc phụ huynh còn bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ; việc mua bán rượu, bia còn dễ dãi. Một số thanh thiếu niên nhậu đến 2-3 giờ sáng, sau đó điều khiển xe chạy lạng lách, đánh võng gây mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, để lại hậu quả chết người. Nhiều mâu thuẫn nhỏ đã được can ngăn, sự việc đã chấm dứt, nhưng khi nhậu vào nhớ lại, tạo ra mâu thuẫn tiếp theo dẫn đến đánh nhau gây hậu quả chết người. |
Trước thực tế lạm dụng rượu, bia gây mất trật tự an toàn xã hội, trước Tết Nguyên đán 2017, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã triệu tập các phòng nghiệp vụ và Công an TP.Biên Hòa họp bàn giải pháp làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phạm tội có liên quan đến rượu, bia.
Trước tiên sẽ thí điểm tại TP.Biên Hòa, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.
Việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là một trong các giải pháp được đặt ra trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói riêng, trật tự an toàn xã hội nói chung, được Ban giám đốc Công an tỉnh đặc biệt quan tâm và giao các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương tổ chức thực hiện.
Qua đó, trong 2 tháng cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2017, công an các đơn vị, địa phương đã ra quân tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý trên 1,7 ngàn trường hợp có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép khi lái xe; tạm giữ trên 1,7 ngàn phương tiện, xử phạt trên 3,4 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe gần 700 trường hợp.
Ban giám đốc Công an tỉnh đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp Công an tỉnh xây dựng văn bản pháp quy về việc cấm bán rượu, bia sau 23 giờ. Trước tiên, sẽ áp dụng quy định này ở TP.Biên Hòa (nơi có số vụ phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia cao nhất tỉnh) để làm giảm tội phạm, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là người dân ở các địa phương có nhiều quán nhậu, cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, thường xảy ra các vụ việc phức tạp về trật tự an toàn xã hội trong thời gian gần đây.
Đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch MTTQ phường Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Lê kiến nghị thêm: “Trước khi ban hành quy định nên trao đổi, lấy ý kiến người dân và các hộ kinh doanh để tạo sự đồng thuận cao; cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành trong toàn hệ thống chính trị, để khi ban hành quy định này đạt hiệu quả, khả thi”.
Việc ban hành quy định cấm bán rượu, bia sau 23 giờ là cần thiết, nhưng sẽ không tránh khỏi phản ứng của dư luận trái chiều, do bị ảnh hưởng trực tiếp về quyền lợi khi kinh doanh lĩnh vực này. Song, vì quyền lợi chính đáng của người dân muốn được sống trong một xã hội an toàn, văn minh nên việc ủng hộ chủ trương này cũng là góp phần đảm bảo sự an toàn cho chính mình, gia đình và người thân.
Văn Nhuệ