Báo Đồng Nai điện tử
En

Thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng: Vẫn còn khó!

10:03, 20/03/2017

Về việc thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến tín dụng, ngân hàng vẫn còn khó khăn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu chỉ rõ nguyên nhân: Luật THADS còn bộc lộ nhiều bất cập; tài sản thi hành án bán không được hoặc nhỏ hơn nhiều so với khoản vay;...

Về việc thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến tín dụng, ngân hàng vẫn còn khó khăn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu chỉ rõ nguyên nhân: Luật THADS còn bộc lộ nhiều bất cập; tài sản thi hành án bán không được hoặc nhỏ hơn nhiều so với khoản vay; nhiều ngân hàng không có cơ chế nhận tài sản để cấn trừ nghĩa vụ thi hành án…

Vụ việc Công ty liên doanh rượu champagne Moscow đang được Cục Thi hành án dân sự tỉnh thụ lý giải quyết.
Vụ việc Công ty liên doanh rượu champagne Moscow đang được Cục Thi hành án dân sự tỉnh thụ lý giải quyết.

* Khó từ tổ chức tín dụng, ngân hàng 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Cục phó Cục THADS tỉnh, cho hay các loại tài sản, như: quyền sử dụng đất không xác định được ranh giới, không đúng như giấy chứng nhận và quyền sử dụng đất bị thu hồi do cấp sai, cấp nhầm; tài sản bảo lãnh thi hành án của bên thứ 3 khi những người đồng sở hữu tài sản (cha mẹ, anh chị em…) không phải là người có nghĩa vụ trả nợ; tài sản thế chấp không có lối đi, ở vị trí heo hút không bán được…, thật sự rất khó thi hành án nhanh, dứt điểm.

Đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai trong việc phối hợp chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, ông Phan Văn Châu cho biết dù các bên chủ động phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng kết quả chưa được như mong muốn, hiệu quả thi hành án thấp, tiến độ giải quyết các vụ việc còn chậm, ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo Cục THADS tỉnh, các ngân hàng cũng thấy được nguyên nhân tác động đến việc khó thu hồi nợ xấu là do: giá trị tài sản phải thi hành án nhỏ hơn nhiều so với khoản vay nên ngân hàng chưa tích cực xử lý; tài sản phải thi hành nằm ở vị trí không thuận lợi, tính thanh khoản không cao nên khó bán; các tổ chức tín dụng trên địa bàn được thi hành án chưa làm hết trách nhiệm, quyền hạn, chưa tích cực đeo bám, đôn đốc cơ quan THADS thực hiện đúng quy định pháp luật về THADS, quy chế phối hợp, thậm chí quyền khiếu nại cũng bỏ qua.

Từ nguyên nhân trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai kiến nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan THADS tỉnh và cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý (nếu vượt thẩm quyền) những khó khăn vướng mắc trong THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, các cơ quan THADS tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

* Vướng từ cơ quan thi hành án

Quý I-2017, toàn ngành THADS tỉnh thụ lý 608 việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Qua phân loại, có 524 việc có điều kiện thi hành và 84 việc chưa có điều kiện thi hành. Trong quý I-2017, toàn ngành THADS tỉnh tập trung giải quyết xong 70 việc/số tiền 442,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 14% về việc, nhưng chỉ 2% về tiền) và số việc chuyển sang kỳ sau tới 605 việc (tương ứng số tiền trên 29,3 tỷ đồng).

Cục THADS tỉnh cũng chỉ rõ nguyên nhân hạn chế từ bản thân ngành, như: một số chi cục THADS có án kinh doanh thương mại lớn, khi thụ lý giải quyết thì tài sản thế chấp hết cho tổ chức tín dụng, ngân hàng; người đại diện doanh nghiệp không rõ địa chỉ, trụ sở công ty… nên khó thi hành.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Cục phó Cục THADS tỉnh, cho hay tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá để thi hành án hoặc tài sản đem bán đấu giá ở những vị trí không thuận lợi, tài sản chung của nhiều người, tài sản nằm trong dự án giải tỏa… phần nào ảnh hưởng đến việc thi hành án.

“Người mua có tâm lý e ngại vì sợ nhiều rủi ro khi kết quả bán đấu giá bị hủy, tài sản mua được chậm được giao, người bị thi hành án tiếp tục khiếu nại việc liên quan đến tài sản bán đấu giá…” - ông Sơn nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Phan Văn Châu chỉ ra nguyên nhân lớn, rất khó tháo gỡ do liên quan đến pháp lý. Ông Châu cho biết việc “người khác” có quyền tranh chấp tài sản kê biên theo quy định tại Điều 75 Luật THADS không được hướng dẫn cụ thể; việc giao cho chấp hành viên xác định quyền sở hữu, sử dụng của các thành viên hộ gia đình theo số lượng thành viên tại thời điểm được xác lập quyền sở hữu tài sản không khả thi, dẫn đến khiếu nại kéo dài của người được thi hành án và bị thi hành án…

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh, Cục THADS tỉnh tập trung lực lượng giải quyết cơ bản 5 vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm trên địa bàn tỉnh, gồm: vụ Công ty liên doanh rượu champagne Moscow với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh khu công nghiệp Biên Hòa và người lao động của công ty (Chi nhánh khu công nghiệp đã chuyển trả trước trên 8,2 tỷ đồng để thi hành án); vụ Công ty TNHH Tân Thuyết với Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam (Cục THADS tỉnh đã thông báo tạm đình chỉ thi hành án về khoản “buộc Công ty TNHH Tân Thuyết phải trả cho bà Nguyễn Thị La 2 tỷ đồng và tiền lãi suất); vụ Công ty Vĩnh Tường (Cục THADS tỉnh đã thành lập các tổ chấp hành viên tham mưu giải quyết hồ sơ và đang trong quá trình kiểm kê các tài sản nằm ngoài bản án trước đây đã tạm giao cho công ty); vụ ông Nguyễn Văn Tình và bà Nguyễn Thị Chí Sương (Cục THADS tỉnh đã báo cáo vụ việc đến Tổng cục THADS khi vụ việc bị Tòa án nhân dân quận 1, TP.Hồ Chí Minh tạm đình chỉ giải quyết để chờ kết quả giải quyết của Tòa và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao); vụ ông Trần Quang Đàm (vụ việc kéo dài 25 năm, hiện Cục THADS tỉnh và các cơ quan liên quan họp bàn nhằm tìm giải pháp tối ưu).

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích