Trong năm 2016 và đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2017 (từ ngày 16-12-2016 đến 5-2-2017), lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm ở Đồng Nai đã khắc phục mọi khó khăn để truy bắt và vận động nhiều đối tượng truy nã ra đầu thú.
Trong năm 2016 và đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2017 (từ ngày 16-12-2016 đến 5-2-2017), lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm ở Đồng Nai đã khắc phục mọi khó khăn để truy bắt và vận động nhiều đối tượng truy nã ra đầu thú.
Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.Biên Hòa, đang điều tra quá trình Đậu Đức Hòa (phải) lẩn trốn. |
Có không ít đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn nhiều năm, tưởng chừng lọt lưới pháp luật nhưng vẫn bị cảnh sát truy nã phát hiện, đưa về quy án.
* Quyết tâm truy bắt đối tượng truy nã
Với kinh nghiệm nhiều năm xác minh, truy bắt đối tượng truy nã, Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.Biên Hòa, khuyến cáo người dân khi phát hiện đối tượng có biểu hiện, như: che giấu thông tin cá nhân; hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, nhất là người lạ; dùng chứng minh nhân dân giả (ảnh của đối tượng, tên người khác); ngày lễ, tết không về thăm gia đình mặc dù có đủ khả năng để về... cần kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xác minh làm rõ. Việc cung cấp thông tin giúp cơ quan công an bắt được nhiều đối tượng truy nã cũng là góp phần loại trừ bớt sự nguy hiểm đối với xã hội, tránh trường hợp đối tượng bỏ trốn lại tiếp tục gây án. |
Đối tượng truy nã thường nghĩ ra nhiều thủ đoạn để lẩn trốn, nhưng chủ yếu thay hình, đổi dạng, làm giả giấy tờ tùy thân nhập khẩu, xin việc làm, thay đổi nơi cư trú; tạo mối quan hệ thân quen, gần gũi, thậm chí tìm cách xây dựng gia đình với người địa phương, tạo vỏ bọc làm ăn lương thiện, nhằm tránh sự ngờ vực của chính quyền và người dân địa phương.
Một cán bộ trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh cho biết mọi hành vi, thủ đoạn của đối tượng truy nã không sớm thì muộn cũng bị lực lượng tầm nã vạch trần, khi đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết và quyết tâm xác minh, truy bắt đến cùng.
Như việc PC52 xác lập chuyên án truy bắt Nguyễn Tấn Thông (53 tuổi, ngụ xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc), can tội giết người và chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí theo quyết định truy nã ngày 28-4-2011 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.
Sau nhiều lần xác minh, truy bắt không có kết quả, vào tháng 8-2016, PC52 quyết định xác lập chuyên án đấu tranh. Suốt 2 năm ròng rã, trinh sát tổ chức nhiều đợt xác minh, thu thập thông tin đối tượng tại các địa bàn: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh.
Áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến tháng 10-2014, nắm được thông tin Thông sống tại huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh), trinh sát đã nhanh chóng tìm đến truy bắt. Tuy nhiên, Thông vốn có nhiều mánh khóe trong việc lẩn trốn và luôn đề phòng cao độ nên khi lực lượng trinh sát tiếp cận mục tiêu cũng là lúc Thông đã trốn về TP.Hồ Chí Minh, sau đó qua Campuchia.
Với quyết tâm truy bắt bằng được Thông, các trinh sát tầm nã tiếp tục đeo bám địa bàn, kiên trì mật phục, vạch ra nhiều biện pháp truy bắt, trong đó có vận động quần chúng phát hiện tố giác và sự quyết tâm đó đã được đền đáp. Vào lúc 23 giờ ngày 10-6-2016, Thông vừa xuất hiện tại một lô cao su ở thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dẫu Tiếng (tỉnh Bình Dương) thì bị các trinh sát ập đến bắt giữ.
* Cần sự hỗ trợ của người dân
Gian manh, lì lợm, lắm mưu nhiều kế trong trốn truy nã phải kể đến Đậu Đức Hòa (32 tuổi, quê tỉnh Nghệ An).
Ngày 26-10-2009, Hòa cùng Nguyễn Văn Đông và Nguyễn Hữu Khẩn, đều quê tỉnh Nghệ An, cướp giật điện thoại di động của anh Đỗ Văn Trường tại KP.4, phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Anh Trường hô hoán thì được người dân xung quanh hỗ trợ truy bắt được Đông giao công an xử lý.
Ngày 4-1-2010, Khẩn đến Công an TP.Biên Hòa đầu thú, riêng Hòa ngoan cố bỏ trốn. Lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.Biên Hòa đã vận động gia đình tác động Hòa ra đầu thú cũng không có kết quả.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhiều lần đi lại giữa các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương và Nghệ An để lần tìm nơi ẩn náu của Hòa, nhưng việc truy bắt đối tượng tưởng chừng rơi vào ngõ cụt.
Đến giữa tháng 8-2016, các trinh sát tầm nã nắm được thông tin Hòa đang làm “cò” đất tại TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) nên đã phối hợp với công an ở đây bắt giữ đối tượng thành công.
Bên cạnh những đối tượng ngoan cố không ra đầu thú, cũng có nhiều đối tượng sau thời gian lẩn trốn đã nhận thức lỗi lầm của mình, muốn chuộc lỗi để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Đó là đối tượng Trần Văn Trọng (30 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán).
Năm 2011, Trọng cùng đồng bọn trộm tài sản trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng của một công ty ở huyện Trảng Bom (nơi Trọng làm bảo vệ). Sau khi gây án, đồng bọn lần lượt sa lưới pháp luật, Trọng trốn đến tỉnh Nghệ An làm lơ xe. PC52 nhiều lần tổ chức xác minh, phối hợp với địa phương vận động gia đình đưa Trọng ra đầu thú.
Nhận thấy thời gian lẩn trốn không làm được gì, phải trốn chui lủi, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị công an bắt, ăn không ngon, ngủ cũng chẳng yên, nhà có việc cần không thể về được nên vào tháng 10-2016, Trọng quyết định đến Công an huyện Định Quán đầu thú.
Trên đây chỉ là một số trong 201 đối tượng truy nã đã bị Công an tỉnh bắt, vận động đầu thú, thanh loại trong năm 2016 và 2 tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Đinh Dậu 2017.
Hiện vẫn còn 517 đối tượng do Cơ quan điều tra Công an toàn tỉnh ra quyết định truy nã, trong đó có hơn 100 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đang ở ngoài xã hội. Để truy bắt được nhiều đối tượng truy nã hơn nữa không thể không có sự hỗ trợ tích cực từ người dân và chính quyền địa phương. Bởi, hiện có nhiều đối tượng lẩn trốn ở địa bàn dân cư, tạo nhiều vỏ bọc rất tinh vi mà người dân địa phương không hay biết.
Văn Nhuệ